TỐ TỤNG DÂN SỰ

Thứ Th 3,
18/06/2024
Đăng bởi Hải Nguyễn Ngọc

Hiện nay, tranh chấp dân sự phát sinh từ những mối quan hệ trong xã hội thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: Hôn nhân gia đình, hợp đồng dân sự, kinh doanh thương mại, đất đai, nhà ở, lao động, v.v… đang diễn ra phổ biến. Khi có tranh chấp xảy ra các đương sự cần nắm được quy trình tố tụng cơ bản để thực hiện đúng trình tự, thủ tục và có thể bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Văn phòng luật sư Sài Gòn Đại Tín (Sài Gòn Đại Tín Law Firm) với đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm, tận tâm sẵn sàng đồng hành cùng quý khách hàng khi tham gia tố tụng dân sự, nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng.

NỘI DUNG CHÍNH:

1. Thế nào là tố tụng dân sự.

2. Trình tự, thủ tục tố tụng dân sự.

2.1. Nộp đơn khởi kiện.

2.2. Tòa án xem xét đơn khởi kiện.

2.3. Tòa án thụ lý vụ án.

2.4. Chuẩn bị xét xử.

2.5. Xét xử sơ thẩm.

3. Dịch vụ tố tụng của Sài Gòn Đại Tín Law Firm.

1. Thế nào là tố tụng dân sự

Điều 1 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định như sau:

Bộ luật tố tụng dân sự quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án nhân dân (sau đây gọi là Tòa án) giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là vụ án dân sự) và trình tự, thủ tục yêu cầu để Tòa án giải quyết các việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là việc dân sự); trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự, việc dân sự (sau đây gọi chung là vụ việc dân sự) tại Tòa án; thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài; thi hành án dân sự; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, của cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) có liên quan nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật.

Nói một cách dễ hiểu, tố tụng dân sự là quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục trong quá trình khởi kiện, giải quyết các vụ án dân sự, các yêu cầu dân sự.

2Trình tự, thủ tục tố tụng dân sự

Tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên là nguyên tắc cơ bản của Luật dân sự. Vì thế, các tranh chấp được ưu tiên giải quyết theo hướng để các bên tự hòa giải, thống nhất ý chí, quan điểm. Trường hợp không thể đi đến một giải pháp chung, đồng thời có một bên đưa ra yêu cầu thì tòa án can thiệp, giải quyết bằng các quy định pháp luật.

2.1. Nộp đơn khởi kiện

2.1.1. Điều kiện về chủ thể nộp đơn khởi kiện

a) Cá nhân:

-  Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;

-  Cá nhân là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì người đại diện hợp pháp của họ có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;

-  Cá nhân có thỏa mãn các điều kiện trên, nhưng là người không biết chữ, người khuyết tật nhìn, người không thể tự mình làm đơn khởi kiện, người không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người có đủ năng lực tố tụng dân sự làm chứng. Người làm chứng phải ký xác nhận vào đơn khởi kiện.

b) Cơ quan, tổ chức:

-  Cơ quan, tổ chức là người khởi kiện thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện phải ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức và họ, tên, chức vụ của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

2.1.2. Cách thức nộp đơn khởi kiện

Theo quy định tại Điều 190 BLTTHS 2015 thì có 3 cách thức để gửi đơn khởi kiện đến Tòa án:

-  Cách 1: Nộp trực tiếp tại Tòa án.

-  Cách 2: Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính.

-  Cách 3: Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

2.1.3. Tòa án xem xét đơn khởi kiện

-  Khi nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp, Tòa án có trách nhiệm cấp ngay giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện. Đối với trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tòa án phải gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện. Trường hợp nhận đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì Tòa án phải thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

-  Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

-  Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau đây:

+  Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện;

+  Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn theo quy định của BLTTDS;

+  Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác;

+  Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

2.3. Tòa án thụ lý vụ án

Điều 195 và Điều 196 BLTTDS 2015 quy định về việc thụ lý vụ án như sau:

-  Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí;

-  Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí;

-  Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí;

-  Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo;

-  Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán phải thông báo bằng văn bản cho nguyên đơn, bị đơn, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ án, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý vụ án;

-  Đối với vụ án do người tiêu dùng khởi kiện thì Tòa án phải niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án thông tin về việc thụ lý vụ án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án;

-  Mẫu thông báo thụ lý vụ án:

2.4. Chuẩn bị xét xử

Quy trình chuẩn bị xét xử được quy định tại Điều 196 và Điều 203 BLTTDS:

a) Thời hạn chuẩn bị xét xử

-  Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án quyết định phân công Thẩm phán giải quyết vụ án;

-  Đối với vụ án phức tạp, việc giải quyết có thể phải kéo dài thì Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán dự khuyết để bảo đảm xét xử đúng thời hạn theo quy định của Bộ luật này;

-  Thời hạn chuẩn bị xét xử đối với các vụ án là từ 02 đến 04 tháng, theo phân loại vụ án được quy định trong BLTTDS 2015.

Lưu ý: Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá 01 đến 02 tháng tùy từng trường hợp cụ thể (theo phân loại vụ án được quy định trong BLTTDS 2015).

-  Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

b) Những quyết định có thể được Thẩm phán ban hành trong giai đoạn chuẩn bị xét xử

-  Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự;

-  Tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;

-  Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;

-  Đưa vụ án ra xét xử.

2.5. Hòa giải

Hòa giải là thủ tục bắt buộc trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án dân sự. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải, không tiến hành hòa giải hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn theo quy định của BLTTDS 2015.

2.5.1. Nguyên tắc hòa giải

Thủ tục hòa giải được tiến hành phải tuân theo các nguyên tắc được quy định tại Điều 203 BLTTDS 2015:

-  Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa  dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình;

-  Nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2.5.2. Quy trình hòa giải

Quy trình hòa giải được tiến hành theo quy định tại khoản 4 Điều 210 BLTTHDS 2015:

-  Thẩm phán phổ biến cho các đương sự về các quy định của pháp luật có liên quan đến việc giải quyết vụ án để các đương sự liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình, phân tích hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành để họ tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án;

-  Nguyên đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trình bày nội dung tranh chấp, bổ sung yêu cầu khởi kiện; những căn cứ để bảo vệ yêu cầu khởi kiện và đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, hướng giải quyết vụ án (nếu có);

-  Bị đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố (nếu có); những căn cứ để phản đối yêu cầu của nguyên đơn; những căn cứ để bảo vệ yêu cầu phản tố của mình và đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, hướng giải quyết vụ án (nếu có);

-  Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trình bày ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn; trình bày yêu cầu độc lập của mình (nếu có); những căn cứ để phản đối yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn; những căn cứ để bảo vệ yêu cầu độc lập của mình và đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải, hướng giải quyết vụ án (nếu có);

-  Người khác tham gia phiên họp hòa giải (nếu có) phát biểu ý kiến;

-  Sau khi các đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ trình bày hết ý kiến của mình, Thẩm phán xác định những vấn đề các đương sự đã thống nhất, chưa thống nhất và yêu cầu các đương sự trình bày bổ sung về những nội dung chưa rõ, chưa thống nhất;

-  Thẩm phán kết luận về những vấn đề các đương sự đã thống nhất, chưa thống nhất.

2.5.3. Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự

a) Thời hạn ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự:

Căn cứ quy định tại khoản Điều 212 BLTTDS năm 2015 thì: 

-  Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

-  Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Tòa án phải gửi quyết định đó cho các đương sự và Viện kiểm sát cùng cấp.

Lưu ý: Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.

b) Hiệu lực của quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự:

Căn cứ quy định tại Điều 212 và Điều 213 BLTTDS năm 2015 thì:

-  Trong trường hợp tiến hành thủ tục hòa giải mà các đương sự có mặt thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thỏa thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Trường hợp thỏa thuận của họ có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thỏa thuận này chỉ có giá trị và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản;

-  Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm;

-  Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự chỉ có thể bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu có căn cứ cho rằng sự thỏa thuận đó là do bị nhầm lẫn, lừa dối, đe dọa, cưỡng ép hoặc vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội;

-  Mẫu quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự:

2.6. Xét xử sơ thẩm

Trường hợp hòa giải không thành, tòa án sẽ mở phiên tòa sơ thẩm để xét xử giải quyết tranh chấp. Phiên tòa sơ thẩm là hoạt động tố tụng điển hình, thể hiện tập trung nhất đặc trưng của hình thức tố tụng tòa án.

2.6.1. Thời hạn đưa vụ án ra xét xử

Theo quy định tại khoản 4 Điều 203 và Điều 222 BLTTDS năm 2015 thì: 

-  Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng;

-  Phiên tòa sơ thẩm phải được tiến hành đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong trường hợp phải hoãn phiên tòa.

2.6.2. Chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng trong xét xử sơ thẩm

a) Chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng:

Theo quy định tại Điều 63 BLTTDS 2015 thì chủ thể có thẩm quyền để xét xử sơ thẩm vụ án là Hội đồng xét xử. Hội đồng xét xử bao gồm: 

-  Một Thẩm phán và hai hội thẩm nhân dân đối với vụ án đơn giản;

-  Hai Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân đối với vụ án phức tạp;

-  Ngoài ra, theo quy định của BLTTDS 2015 thì Viện kiểm sát cũng sẽ phân công Kiểm sát viên tham gia phiên tòa sơ thẩm để thực hành quyền công tố, đồng thời kiểm tra, giám sát quy trình tố tụng nói riêng và việc xét xử sơ thẩm nói chung.

b) Những người tham gia tố tụng trong xét xử sơ thẩm:

Theo quy định của BLTTDS năm 2015 thì những người có quyền, nghĩa vụ tham gia phiên tòa sơ thẩm bao gồm: 

-  Nguyên đơn; 

-  Bị đơn; 

-  Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; 

-  Người đại diện của đương sự;

-  Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; 

-  Người làm chứng.

2.6.3. Quy trình xét xử sơ thẩm

Theo quy định của BLTTHS năm 2015 thì phiên tòa sơ thẩm thường được tiến hành với trình tự sau: 

-  Chuẩn bị khai mạc phiên tòa sơ thẩm; 

-  Thủ tục bắt đầu phiên tòa sơ thẩm; 

-  Thủ tục hỏi tại phiên tòa sơ thẩm; 

-  Tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm;

-  Nghị án;

-  Tuyên án.

-  Hình ảnh phiên tòa sơ thẩm:

2.6.4. Hiệu lực của bản án sơ thẩm

a) Trường hợp bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 282 BLTTDS năm 2015 thì Bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc những phần bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

b) Trường hợp bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị:

Kháng cáo, kháng nghị là thủ tục yêu cầu để Tòa án cấp cao hơn xét xử phúc thẩm vụ án, nhằm xem xét lại một phần hoặc toàn bộ bản án sơ thẩm mà các đương sự hoặc chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng cho rằng được tuyên chưa chính xác, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

-  Kháng cáo: 

Khoản 1 Điều 273 BLTTDS năm 2015 quy định thời hạn kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày tuyên án, nhưng được tính như sau:

+  Kể từ ngày tuyên án; đối với đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết;

+  Đối với trường hợp đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.

- Kháng nghị:

+ Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày;

+ Thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng, kể từ ngày tuyên án;

+ Trường hợp Kiểm sát viên không tham gia phiên tòa thì thời hạn kháng nghị tính từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được bản án.

Lưu ý: 

+ Khoản 2 Điều 482 BLTTDS 2015 quy định về những trường hợp bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay, mặc dù có thể bị kháng cáo, khiếu nại, kháng nghị, kiến nghị, bao gồm:

+  Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả công lao động, nhận người lao động trở lại làm việc, trả lương, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất tinh thần của công dân; quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công;

+ Quyết định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

3. Các dịch vụ của Sài Gòn Đại Tín Law Firm trong lĩnh vực tố tụng dân sự

-  Tư vấn pháp lý về những vụ án, những yêu cầu trong lĩnh vực dân sự;

-  Thực hiện các thủ tục tố tục ban đầu cho khách hàng như: Soạn thảo đơn khởi kiện, thu thập chứng cứ liên quan đến vụ án để giao, nộp cho chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng; 

-  Thảo luận, phân tích, đề xuất phương án có lợi nhất cho khách hàng trong quá trình hòa giải;

-  Đại diện theo ủy quyền trong quá trình tố tụng để bảo vệ quyền lợi của khách hàng;

-  Cử luật sư tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trong vụ án;

-  Thực hiện thủ tục kháng cáo vụ án theo yêu cầu của khách hàng;

-  Yêu cầu Tòa án, Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị để xem xét lại bản án phúc thẩm theo thủ tục tái thẩm hoặc giám đốc thẩm.

 

THÔNG TIN LIÊN HỆ:

Mọi thông tin, xin liên hệ SÀI GÒN ĐẠI TÍN LAW FIRM:

♦ Địa chỉ: Số 169/6D Võ Thị Sáu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

♦ Điện thoại: 028 39 480 939.

♦ Hotline: 0913 655 471 (Luật sư Hải). 

♦ Email: tuvan@saigondaitin.com.

 

Bài viết liên quan

  • Không có bài viết liên quan

Ý kiến của bạn
popup

Số lượng:

Tổng tiền: