XÁC ĐỊNH NƠI CƯ TRÚ THEO PHÁP LUẬT DÂN SỰ

Thứ Th 4,
09/10/2024
Đăng bởi Haravan Support

Mọi công dân đều có quyền tự do cư trú. Đây là quyền đã được Hiến pháp và pháp luật quốc tế ghi nhận. Trong lĩnh vực dân sự nơi cư trú liên quan đến việc xác lập, thực hiện các giao dịch và xác lập quyền sở hữu, quyền thừa kế tài sản,…Chính vì thế việc xác định cụ thể nơi cư trú của cá nhân trong mỗi trường hợp là điều quan trọng. Đây là căn cứ để Tòa án quyết định thẩm quyền thụ lý vụ án nếu có tranh chấp dân sự giữa các bên.

Sài Gòn Đại Tín Law xin giới thiệu cùng quý khách hàng quy định về xác định nơi cư trú của Bộ luật dân sự 2015:

NỘI DUNG CHÍNH:

1. Khái niệm nơi cư trú của cá nhân.

2. Nơi cư trú của người chưa thành niên, vợ hoặc chồng và người được giám hộ.

3. Nơi cư trú của quân nhân và người làm nghề lưu động.

1. Khái niệm nơi cư trú của cá nhân

Theo quy định tại Điều 40 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 thì nơi cư trú của các nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống.

Lưu ý: Trường hợp không xác định được nơi cá nhân thường xuyên sinh sống thì nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó đang sinh sống.

Ví dụ: Ông A đang sống ở tỉnh H. Ông A không co nơi sinh sống cố định. Ông từng sống ở tỉnh T một năm, sống ở tỉnh C hai năm, sống ở tỉnh D hai năm, …. trước khi đến sống ở tỉnh H. Như vậy, nơi cư trú của ông A được xác định là tỉnh H là nơi mà ông A đang sinh sống.

Khi các bên xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà một bên trong quan hệ dân sự thay đổi nơi cư trú gắn với việc thực hiện quyền, nghĩa vụ thì phải thông báo cho bên kia biết về nơi cư trú mới.

2. Nơi cư trú của người chưa thành niên, vợ hoặc chồng và người được giám hộ

2.1. Nơi cư trú của người chưa thành niên

Theo quy định tại Điều 41 BLDS 2015:

- Nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha, mẹ; nếu cha, mẹ có nơi cư trú khác nhau thì nơi cư trú của người chưa thành niên là nơi cư trú của cha hoặc mẹ mà người chưa thành niên thường xuyên chung sống.

- Người chưa thành niên có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của cha, mẹ nếu được cha, mẹ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.

2.2. Nơi cư trú của vợ hoặc chồng

Theo quy định tại Điều 43 BLDS 2015:

- Nơi cư trú của vợ, chồng là nơi vợ, chồng thường xuyên chung sống.

- Vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau nếu có thỏa thuận.

2.3. Nơi cư trú của người được giám hộ

Theo quy định tại Điều 42 BLDS 2015:

- Nơi cư trú của người được giám hộ là nơi cư trú của người giám hộ.

- Người được giám hộ có thể có nơi cư trú khác với nơi cư trú của người giám hộ nếu được người giám hộ đồng ý hoặc pháp luật có quy định.

3. Nơi cư trú của quân nhân và người làm nghề lưu động

3.1. Nơi cư trú của quân nhân

Nơi cư trú của quân nhân đang thực hiện nghĩa vụ quân sự là nơi đơn vị của quân nhân đó đóng quân.

Nơi cư trú của sĩ quan quân đội, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng là nơi đơn vị của người đó đóng quân, trừ trường hợp họ có nơi cư trú của cá nhân theo quy định của BLDS 2015.

3.2. Nơi cư trú của người làm nghề lưu động

Nơi cư trú của người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền, phương tiện hành nghề lưu động khác là nơi đăng ký tàu, thuyền, phương tiện đó, trừ trường hợp họ có nơi cư trú của cá nhân theo quy định của BLDS 2015.

THÔNG TIN LIÊN HỆ:

Mọi thông tin, xin liên hệ  SÀI GÒN ĐẠI TÍN LAW FIRM:

♦ Địa chỉ: Số 169/6D Võ Thị Sáu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

♦ Điện thoại: 028 39 480 939.

♦ Hotline: 0913 655 471 (Luật sư Hải).

♦ Email: tuvan@saigondaitin.com.

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

popup

Số lượng:

Tổng tiền: