ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ

Thứ Th 4,
02/10/2024
Đăng bởi Support HRV

Điều mà nhà đầu tư quan tâm khi tiến hành các dự án là những chính sách ưu dãi đầu tư. Các quốc gia thực hiện nhiều cách thức ưu đãi đầu tư sẽ thu hút được nhiều dự án, nhiều nguồn vốn và có thể mở rộng thị trường, phát triển kinh tế. Việt Nam đang hội nhập với kinh tế thế giới nên việc ưu đãi đầu tư là rất cần thiết. Các hình thức ưu đãi dầu tư chủ yếu tập trung vào việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế sử dụng đất, thuế thu nhập cá nhân và thuế nhập khẩu,... Nhà nước ưu tiên cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn và các vùng kinh tế trọng điểm tập trung các khu công nghiệp,… Ngoài ra, các ngành kinh tế khoa học, kỹ thuật mới và các ngành, nghề phục vụ an sinh, xã hội được khuyến khích đầu tư.

Sau đây, Sài Gòn Đại Tín Law Firm xin giới thiệu một số vấn đề liên quan đến ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2020 và Nghị định 31/2021/NĐ-CP để quý khách hàng tham khảo khi lựa chọn đầu tư, sản xuất, kinh doanh:

NỘI DUNG CHÍNH:

1. Đối tượng và ngành nghề được hưởng ưu đãi đầu tư.

2. Hình thức, thời gian và mức ưu đãi đầu tư.

3. Địa bàn ưu đãi đầu tư.

4. Thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư.

1. Đối tượng và ngành, nghề được hưởng ưu đãi đầu tư

1.1. Đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư

Theo quy định tại Điều 15 Luật Đầu tư 2020 thì đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư bao gồm:

- Dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2020.

- Dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2020 (1).

- Dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời có một trong các tiêu chí sau: Có tổng doanh thu tối thiểu đạt 10.000 tỷ đồng mỗi năm trong thời gian chậm nhất sau 03 năm kể từ năm có doanh thu hoặc sử dụng trên 3.000 lao động (2).

- Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên; dự án đầu tư sử dụng lao động là người khuyết tật theo quy định của pháp luật về người khuyết tật (3).

- Doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ; dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; cơ sở ươm tạo công nghệ, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, pháp luật về khoa học và công nghệ; doanh nghiệp sản xuất, cung cấp công nghệ, thiết bị, sản phẩm và dịch vụ phục vụ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Dự án đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển.

- Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng.

Lưu ý: Mức ưu đãi cụ thể đối với từng loại ưu đãi đầu tư được áp dụng theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán và đất đai.

1.3. Các trường hợp không đủ điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư

Theo quy định tại Điều 15 Luật Đầu tư 2020 thì đối tượng ưu đãi đầu tư thuộc trường hợp (1), (2) và (3) không áp dụng đối với trường hợp sau:

- Dự án đầu tư khai thác khoáng sản.

- Dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ dự án sản xuất ô tô, tàu bay, du thuyền.

- Dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại theo quy định của pháp luật về nhà ở.

1.4. Các ngành, nghề được hưởng ưu đãi đầu tư

Theo quy định tại Điều 16 Luật Đầu tư 2020 thì ngành, nghề ưu đãi đầ tư bao gồm:

- Hoạt động công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ.

- Sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ 30% trở lên, sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

- Sản xuất sản phẩm điện tử, sản phẩm cơ khí trọng điểm, máy nông nghiệp, ô tô, phụ tùng ô tô; đóng tàu.

- Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.

- Sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số.

- Nuôi trồng, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản; trồng và bảo vệ rừng; làm muối; khai thác hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi, sản phẩm công nghệ sinh học.

- Thu gom, xử lý, tái chế hoặc tái sử dụng chất thải; phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước.

- Đầu tư phát triển và vận hành, quản lý công trình kết cấu hạ tầng; phát triển vận tải hành khách công cộng tại các đô thị.

- Giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.

- Khám bệnh, chữa bệnh; sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc, bảo quản thuốc; nghiên cứu khoa học về công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới; sản xuất trang thiết bị y tế.

- Đầu tư cơ sở luyện tập, thi đấu thể dục, thể thao cho người khuyết tật hoặc chuyên nghiệp; bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

- Đầu tư trung tâm lão khoa, tâm thần, điều trị bệnh nhân nhiễm chất độc màu da cam; trung tâm chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ mồ côi, trẻ em lang thang không nơi nương tựa.

- Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.

- Sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ tạo ra hoặc tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành.

2. Hình thức, thời gian và mức ưu đãi đầu tư

2.1. Hình thức ưu đãi đầu tư

Theo quy định tại Điều 15 Luật Đầu tư 2020 thì hình thức ưu đãi đầu tư bao gồm:

- Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;

- Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

- Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất;

- Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.

2.2. Thời gian ưu đãi đầu tư và mức ưu đãi đầu tư

- Mức ưu đãi cụ thể đối với từng loại ưu đãi đầu tư được áp dụng theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán và đất đai.

- Dự án đầu tư đáp ứng điều kiện hưởng các mức ưu đãi đầu tư khác nhau, bao gồm cả ưu đãi đầu tư do Luật Đầu tư 2020 thì được áp dụng mức ưu đãi đầu tư cao nhất.

- Ưu đãi đầu tư được áp dụng có thời hạn và trên cơ sở kết quả thực hiện dự án của nhà đầu tư. Nhà đầu tư phải đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật trong thời gian hưởng ưu đãi đầu tư. Trong thời gian hưởng ưu đãi, trường hợp dự án đầu tư có thời gian không đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư thì nhà đầu tư không được hưởng ưu đãi đầu tư cho thời gian không đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư.

3. Địa bàn ưu đãi đầu tư

3.1. Địa bàn ưu đãi đầu tư trong trường hợp chưa thay đổi địa giới hành chính

Theo quy định tại Điều 16 Luật Đầu tư 2020 thì địa bà ưu đãi đầu tư bao gồm:

- Địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

- Khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

3.2. Xác định địa bàn ưu đãi đầu tư trong trường hợp thay đổi địa giới hành chính

Theo quy định tại Điều 21 Nghị định 31/2021/NĐ-CP:

Trường hợp đơn vị hành chính mới được thành lập theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính (chia, tách, nâng cấp đơn vị hành chính cũ đang thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư) do sắp xếp, điều chỉnh địa giới của các đơn vị hành chính cấp xã thuộc các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau nhưng chưa được quy định là địa bàn ưu đãi đầu tư thì thực hiện như sau:

- Đơn vị hành chính mới thành lập được xác định là địa bàn ưu đãi đầu tư tính theo đa số của số đơn vị hành chính cấp xã đang hưởng;

- Trường hợp số đơn vị hành chính cấp xã thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn bằng nhau thì đơn vị hành chính mới thành lập được xác định là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

- Trường hợp số đơn vị hành chính cấp xã thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và địa bàn không thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư bằng nhau thì đơn vị hành chính mới thành lập được xác định là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn;

- Trường hợp số đơn vị hành chính cấp xã thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và địa bàn không thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư bằng nhau thì đơn vị hành chính mới thành lập được xác định là điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Lưu ý: Khi điều chỉnh địa giới hành chính, đơn vị cấp xã bị điều chỉnh được hưởng ưu đãi đầu tư áp dụng đối với địa bàn cấp huyện nơi tiếp nhận đơn vị hành chính đó.

4. Thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư

Thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư được quy định tại Điều 17 Luật Đầu tư 2020 và Điều 23 Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

4.1. Hồ sơ áp dụng ưu đãi đầu tư

a) Hồ sơ áp dụng ưu đãi đầu tư chung:

Hồ sơ áp dụng ưu đãi đầu tư bao gồm:

- Văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có).

- Quyết định chấp thuận nhà đầu tư.

- Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có).

b) Hồ sơ áp dụng ưu đãi đầu tư đối với một số trường hợp cụ thể:

- Đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ là Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

- Đối với doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Đối với dự án ứng dụng công nghệ cao là Giấy chứng nhận dự án ứng dụng công nghệ cao.

- Đối với dự án công nghiệp hỗ trợ là Giấy xác nhận ưu đãi sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

- Đối với dự án có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao là Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

4.2. Thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư

- Căn cứ nội dung ưu đãi đầu tư tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư, nhà đầu tư thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư tương ứng với từng loại ưu đãi.

-  Đối với dự án đầu tư không thuộc trường hợp trên, nhà đầu tư căn cứ đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư do Luật Đầu tư 2020 và Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định, quy định của pháp luật có liên quan để tự xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan áp dụng ưu đãi đầu tư tương ứng với từng loại ưu đãi.

THÔNG TIN LIÊN HỆ:

Mọi thông tin, xin liên hệ  SÀI GÒN ĐẠI TÍN LAW FIRM:

♦ Địa chỉ: Số 169/6D Võ Thị Sáu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

♦ Điện thoại: 028 39 480 939.

♦ Hotline: 0913 655 471 (Luật sư Hải).

♦ Email: tuvan@saigondaitin.com.

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

popup

Số lượng:

Tổng tiền: