Các câu hỏi thường gặp về cấp dưỡng sau khi ly hôn:
Việc cấp dưỡng thể hiện tinh thần trách nhiệm của người thân trong gia đình đối với nhau, đồng thời cũng bảo vệ các giá trị đạo đức tốt đẹp về mối quan hệ huyết thống. Sau khi ly hôn, dù không còn chung sống , không còn gắn bó với nhau nhưng vợ, chồng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật. Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định cụ thể về nghĩa vụ cấp dưỡng của vợ, chồng sau khi ly hôn để hạn chế tình trạng trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng sau khi ly hôn.
Khi tư vấn về cấp dưỡng sau khi ly hôn Sài Gòn Đai Tín Law Firm thường nhận được những câu hỏi sau:
1. Ai có thể được nhận cấp dưỡng sau khi ly hôn?
2. Ai có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng?
3. Mức cấp dưỡng được quy định như thế nào?
4. Phương thức cấp dưỡng được quy định như thế nào?
5. Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt khi nào?
Chúng tôi sẽ làm rõ những vấn đề trên trong bài viết dưới đây:
NỘI DUNG CHÍNH: 1. Nghĩa vụ cấp dưỡng sau khi ly hôn. 2. Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. 3. Mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng. 4. Chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng. |
1. Nghĩa vụ cấp dưỡng sau khi ly hôn
1.1. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con
Theo quy định tại Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
Mà theo quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 thì:
- Người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi (khoản 1 Điều 21 BLDS 2015).
- Người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên (khoản 1 Điều 20 BLDS 2015).
Như vậy, sau khi ly hôn nếu không trực tiếp nuôi dưỡng con thì cha hoặc mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con thuộc một trong hai trường hợp:
- Con dưới 18 tuổi.
- Con từ đủ 18 tuổi trở lên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
1.2. Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn
Theo quy định tại Điều 115 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
Khi ly hôn nếu bên khó khăn, túng thiếu có yêu cầu cấp dưỡng mà có lý do chính đáng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng theo khả năng của mình.
Điều kiện quan trọng để vợ, chồng yêu cầu bên còn lại thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đối với mình sau khi ly hôn là: Phải có căn cứ để chứng minh bản thân đang lâm vào tình trạng khó khăn, túng thiếu.
2. Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng
Theo quy định tại Điều 119 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì những chủ thể sau có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng:
a) Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
b) Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:
- Người thân thích.
- Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình (1).
- Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em (2).
- Hội liên hiệp phụ nữ (3).
c) Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức thuộc trường hợp (1), (2) và (3) yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
3. Mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng
3.1. Mức cấp dưỡng
Theo quy định tại Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
- Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
3.2. Phương thức cấp dưỡng
Theo quy định tại Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
- Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.
- Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Như vậy, có 2 phương thức cấp dưỡng:
- Cấp dưỡng theo định kỳ: Hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm,...
- Cấp dưỡng một lần: Thanh toán toàn bộ khoản tiền, tài sản cấp dưỡng trong một lần duy nhất.
Nói tóm lại, mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng, thay đổi mức cấp dưỡng, thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng do các bên tự thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
4. Chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng
Theo quy định tại Điều 120 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ chấm dứt trong các trường hợp:
- Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình.
- Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi.
- Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng.
- Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết.
- Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn.
- Trường hợp khác theo quy định của luật.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
Mọi thông tin, xin liên hệ SÀI GÒN ĐẠI TÍN LAW FIRM:
♦ Địa chỉ: Số 169/6D Võ Thị Sáu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
♦ Điện thoại: 028 39 480 939.
♦ Hotline: 0913 655 471 (Luật sư Hải).
♦ Email: tuvan@saigondaitin.com.