Trong điều kiện hội nhập kinh tế thế giới hiện nay các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội mở rộng môi trường kinh doanh, tăng lợi nhuận, phát triển nguồn nhân lực và tài chính, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp mình. Chính vì thế Luật Đầu tư 2020 và Luật Doanh nghiệp 2020 đã có những quy định cụ thể để các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng tiến hành các thủ tục đầu tư, thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam. Sài Gòn Đại Tín Law Firm xin giới thiệu một số quy định về yêu cầu chủ thể và điều kiện đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
NỘI DUNG CHÍNH: 1. Thế nào là tố chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. 2. Các loại hình doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư ở Việt Nam. 3. Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và nguyên tắc áp dụng. |
1. Thế nào là tố chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
Trước đây, Luật đầu tư 2005 sử dụng khái niệm “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” để định nghĩa đối với trường hợp các tổ chức nước ngoài và cá nhân nước ngoài đầu tư hoặc góp vốn để kinh doanh ở Việt Nam. Tuy nhiên Luật Đầu tư 2020 ra đời đã sử dụng khái niệm “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài” để thay thế cho khái niệm “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”. Theo đó khoản 22 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Trong đó: Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam".
Như vậy tổ chức kinh tế đáp ứng được các quy định của pháp luật Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài và thực hiện các hình thức đầu tư, góp vốn, kinh doanh ở Việt Nam thì được gọi là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
2. Các loại hình doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài có thể đầu tư ở Việt Nam
- Doanh nghiệp tư Nhân: Luật Doanh nghiệp 2020 không quy định hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên Luật Doanh nghiệp 2020 cũng chưa có quy định rõ ràng về vấn đề này.
Vướng mắc đặt ra chính là: Tài sản của nhà đầu tư nước ngoài không hiện hữu ở Việt Nam. Mà chủ sở hữu của doanh nghiệp tư nhân lại phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác bằng tất cả tài sản của mình. Như vậy, làm sao để giải quyết được các hậu quả của doanh nghiệp tư nhân khi kinh doanh không hiệu quả nếu chủ sở hữu của doanh nghiệp đó là nhà đầu tư nước ngoài.
- Công ty hợp danh: Như đã nói ở trên, việc kiểm tra tài sản riêng của chủ sở hữu công ty là nhà đầu tư nước ngoài là một vướng mắc khi họ đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. Như vậy, trường hợp thành viên hợp danh của công ty hợp danh là nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn là vướng mắc cần tháo gỡ. Bởi vì thành viên hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn bằng tất cả tài sản của mình đối với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác phát sinh. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư nước ngoài là thành viên góp vốn của công ty hợp danh thì chỉ cần chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.
Pháp luật không hạn chế về đối tượng nhà đầu tư có thể đầu tư vào công ty hợp danh. Do đó, nhà đầu tư nước ngoài được phép góp vốn vào công ty hợp danh tại Việt Nam.
- Công ty trách nhệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV): Chủ sở hữu của công ty TNHH MTV có thể là nhà đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự và năng lực hành vi kinh doanh.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên (TNHH 2 TV trở lên): Nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập hoặc nhận chuyển nhượng phần vốn góp trong công ty TNHH 2 TV trở lên nếu đáp ứng được các quy định của pháp luật.
- Công ty cổ phần: Nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập hoặc nhận chuyển nhưọng cổ phần trong công ty cổ phần nếu đáp ứng được các quy định của pháp luật.
Cần lưu ý: Tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp được quyết định căn cứ vào các điều ước quốc tế và ngành, nghề đầu tư.
3. Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài và nguyên tắc áp dụng
3.1. Thế nào là điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài
Theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 thì điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài là điều kiện nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng để đầu tư trong các ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Luật Đầu tư 2020.
3.2. Các điều kiện tiếp cận thị trường
Theo quy định tại Điều 9 Luật Đầu tư 2020 thì: Nhà đầu tư nước ngoài được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, trừ một số trường hợp Chính phủ công bố danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài bao gồm:
- Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài trong tổ chức kinh tế;
+ Hình thức đầu tư.
+ Phạm vi hoạt động đầu tư.
+ Năng lực của nhà đầu tư; đối tác tham gia thực hiện hoạt động đầu tư.
+ Điều kiện khác theo quy định pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
3.3. Nguyên tắc áp dụng
Nguyên tắc áp dụng các điều kiện hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài được quy định cụ thể tại Điều 17 Nghị định 31/2021/NĐ-CP như sau:
- Trừ những ngành, nghề thuộc Danh mục ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài được tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước.
- Nhà đầu tư nước ngoài không được đầu tư trong các ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường quy định tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
- Đối với các ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP, nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường được đăng tải theo quy định của Nghị định 31/2021/NĐ-CP.
- Nhà đầu tư nước ngoài thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ không phải là thành viên WTO thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên WTO, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế giữa Việt Nam và quốc gia, vùng lãnh thổ đó có quy định khác.
- Nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng điều chỉnh của điều ước quốc tế về đầu tư có quy định về điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư đó thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật Việt Nam thì được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường theo điều ước đó.
- Nhà đầu tư nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của các điều ước quốc tế về đầu tư có quy định khác nhau về điều kiện tiếp cận thị trường thì được lựa chọn áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường đối với tất cả các ngành, nghề kinh doanh theo một trong các điều ước đó.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
Mọi thông tin, xin liên hệ SÀI GÒN ĐẠI TÍN LAW FIRM:
♦ Địa chỉ: Số 169/6D Võ Thị Sáu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
♦ Điện thoại: 028 39 480 939.
♦ Hotline: 0913 655 471 (Luật sư Hải).
♦ Email: tuvan@saigondaitin.com.