Các câu hỏi thường gặp khi tư vấn về thuế thu nhập doanh nghiệp:
Bất kỳ một doanh nghiệp nào khi thành lập và hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Trong quá trình tư vấn về thuế thu nhập doanh nghiệp Sài Gòn Đại Tín Law Firm thường gặp một số câu hỏi như sau:
1. Đối tượng nào phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp?
2. Thu nhập tính thuế được xác định như thế nào?
3. Thời gian quyết toán tuế thu nhập doanh nghiệp là khi nào?
4. Thủ tục quyết toán tuế thu nhập doanh nghiệp được thực hiện như thế nào?
Trong bài viết này, Sài Gòn Đại Tín sẽ trả lời những câu hỏi trên để doanh nghiệp hiểu rõ hơn về cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp và quy trình thủ tục nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
NỘI DUNG CHÍNH: 1. Đối tượng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. 2. Thu nhập tính thuế. 3. Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp. 4. Thời gian quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. 5. Thủ tục quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. |
1. Đối tượng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (sửa đổi, bổ sung 2023) thì người phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp bao gồm:
- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
- Tổ chức được thành lập theo Luật Hợp tác xã.
- Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
- Tổ chức khác có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.
2. Thu nhập tính thuế
2.1. Thu nhập chịu thuế
Theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (sửa đổi, bổ sung 2023) thì thu nhập chịu thuế bao gồm:
- Thu nhập chịu thuế bao gồm thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và thu nhập khác. Trong đó thu nhập khác bao gồm:
- Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng quyền góp vốn; thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản; thu nhập từ quyền sử dụng tài sản, quyền sở hữu tài sản, kể cả thu nhập từ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật; thu nhập từ chuyển nhượng, cho thuê, thanh lý tài sản, trong đó có các loại giấy tờ có giá; thu nhập từ lãi tiền gửi, cho vay vốn, bán ngoại tệ; khoản thu từ nợ khó đòi đã xoá nay đòi được; khoản thu từ nợ phải trả không xác định được chủ; khoản thu nhập từ kinh doanh của những năm trước bị bỏ sót và các khoản thu nhập khác.
Cần lưu ý: Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài chuyển phần thu nhập sau khi đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp ở nước ngoài của doanh nghiệp về Việt Nam thì đối với các nước mà Việt Nam đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì thực hiện theo quy định của Hiệp định; đối với các nước mà Việt Nam chưa ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần thì trường hợp thuế thu nhập doanh nghiệp ở các nước mà doanh nghiệp chuyển về có mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn thì thu phần chênh lệch so với số thuế thu nhập doanh nghiệp tính theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam.
- Thu nhập chịu thuế bằng doanh thu trừ các khoản chi được trừ của hoạt động sản xuất, kinh doanh cộng thu nhập khác, kể cả thu nhập nhận được ở ngoài Việt Nam.
Thu nhập chịu thuế = (Doanh thu – Các chi phí được khấu trừ) + Thu nhập khác.
Trong đó doanh thu là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ, trợ giá, phụ thu, phụ trội mà doanh nghiệp được hưởng. Doanh thu được tính bằng đồng Việt Nam; trường hợp có doanh thu bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu bằng ngoại tệ.
2.2. Cách tính thu nhập tính thuế
Theo quy định tại Điều 7 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (sửa đổi, bổ sung 2023) thì thu nhập tính thuế được xác định như sau: Thu nhập tính thuế trong kỳ tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế trừ thu nhập được miễn thuế và các khoản lỗ được kết chuyển từ các năm trước.
Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - (Thu nhập được miễn thuế + Các khoản lỗ chuyển từ năm trước).
Lưu ý: Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải xác định riêng để kê khai nộp thuế. Thu nhập từ chuyển nhượng dự án đầu tư (trừ dự án thăm dò, khai thác khoáng sản), thu nhập từ chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư (trừ chuyển nhượng quyền tham gia dự án thăm dò, khai thác khoáng sản), thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản nếu lỗ thì số lỗ này được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất, kinh doanh trong kỳ tính thuế.
3. Cách tính thuế thu nhập doanh nghiệp
Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ tính thuế được tính bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất.
Thuế thu nhập doanh nghiệp = Thu nhập tính thuế X Thuế suất.
- Hiện nay, thuế suất thu nhập doanh nghiệp được quy định chung từ năm 2023 là 20%. Trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, mức thuế suất có thể giảm còn 10% hoặc tăng từ 25%, 32% đến 50%.
- Trường hợp doanh nghiệp đã nộp thuế thu nhập ở ngoài Việt Nam thì được trừ số thuế thu nhập đã nộp nhưng tối đa không quá số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Lưu ý: Phương pháp tính thuế đối với các doanh nghiệp nước ngoài đặc biệt do Chính phủ quy định.
4. Thời gian quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp
4.1. Kỳ tính thuế
Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 (sửa đổi, bổ sung 2023) Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp được xác định theo năm dương lịch hoặc năm tài chính.
Lưu ý: Kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp theo từng lần phát sinh thu nhập áp dụng đối với doanh nghiệp nước ngoài được xác định riêng.
Như vậy, doanh nghiệp sẽ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo năm.
4.2. Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp
Thuế thu nhập doanh nghiệp được tính theo năm. Theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019 thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với doanh nghiệp được tính như sau: Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.
Lưu ý: Người nộp thuế không có khả năng nộp hồ sơ khai thuế đúng thời hạn do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ thì được thủ trưởng cơ quan thuế quản lý trực tiếp gia hạn nộp hồ sơ khai thuế. Thời gian gia hạn là 60 ngày đối với việc nộp hồ sơ khai quyết toán thuế kể từ ngày hết thời hạn phải nộp hồ sơ khai thuế.
5. Thủ tục quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp
5.1. Hồ sơ
Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 43 Luật Quản lý thuế 2019 hồ sơ quyết toán thuế kết thúc năm bao gồm:
- Tờ khai quyết toán thuế năm.
- Báo cáo tài chính năm.
- Tờ khai giao dịch liên kết.
- Các tài liệu khác có liên quan đến quyết toán thuế.
5.2. Trình tự thủ tục quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp
a) Bước 1: Lập hồ sơ quyết toán thuế. Thành phần hồ sơ quyết toán thuế TNDN gồm có:
- Tờ khai quyết toán thuế TNDN theo mẫu 03/TNDN kèm Thông tư 80/2021/TT-BTC.
- Báo cáo tài chính năm gồm có:
+ Bảng cân đối kế toán (Mẫu số B01-DN).
+ Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (Mẫu số B02-DNN).
+ Bản thuyết minh báo cáo tài chính (Mẫu số B09-DN).
+ Báo cáo luân chuyển tiền tệ theo phương pháp gián tiếp.
+ Báo cáo luân chuyển tiền tệ theo phương pháp trực tiếp.
- Giấy ủy quyền thực hiện thủ tục nếu không phải là người đại diện theo pháp luật thực hiện công việc.
- Ngoài ra, tùy theo thực tế phát sinh đặc thù của từng doanh nghiệp mà nộp thêm các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật.
b) Bước 2: Nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp tại cơ quan thuế theo đúng thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế theo quy định. Trường hợp thời hạn nộp hồ sơ trùng với ngày nghỉ theo quy định thì thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNDN sẽ được lùi lại vào ngày làm việc tiếp theo.
Doanh nghiệp nộp thuế cho cơ quan thuế nơi có trụ sở chính và có thể lựa chọn một trong các cách nộp thuế sau:
- Cách 1: Nộp trực tiếp tại trụ sở cơ quan thuế.
- Cách 2: Nộp qua qua hệ thống bưu chính.
- Cách 3: Nộp hồ sơ thông qua Cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế.
c) Bước 3: Cơ quan thuế tiếp nhận và giải quyết
- Trường hợp hồ sơ được nộp trực tiếp tại cơ quan thuế, công chức thuế tiếp nhận và đóng dấu tiếp nhận hồ sơ, ghi thời gian nhận hồ sơ, ghi nhận số lượng tài liệu trong hồ sơ và ghi vào sổ văn thư của cơ quan thuế.
- Trường hợp hồ sơ được gửi qua đường bưu chính, công chức thuế đóng dấu ghi ngày nhận hồ sơ và ghi vào số văn thư của cơ quan thuế.
- Trường hợp hồ sơ được nộp thông qua giao dịch điện tử, việc tiếp nhận, kiểm tra, chấp nhận hồ sơ khai thuế do cơ quan thuế thực hiện thông qua hệ thông xử lý dữ liệu điện tử.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
Mọi thông tin, xin liên hệ SÀI GÒN ĐẠI TÍN LAW FIRM:
♦ Địa chỉ: Số 169/6D Võ Thị Sáu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
♦ Điện thoại: 028 39 480 939.
♦ Hotline: 0913 655 471 (Luật sư Hải).
♦ Email: tuvan@saigondaitin.com.