Công ty hợp danh là một trong những loại hình công ty ra đời sớm nhất trong lịch sử loài người. Theo thời gian mô hình doanh nghiệp này được thay đổi, phát triển cho phù hợp với thực tiễn kinh tế, xã hội. Ở mỗi quốc gia sẽ có quy định khác nhau về cơ cấu tổ chức và chế độ trách nhiệm của công ty hợp danh. Luật Doanh nghiệp Việt Nam đã quy định rất rõ ràng, chi tiết về loại hình này để dễ dàng áp dụng cho hoạt động kinh doanh. Sài Gòn Đại Tín Law Firm xin giới thiệu đến quý khách hàng những đặc điểm đặc trưng của loại hình doanh nghiệp này.
NỘI DUNG CHÍNH: 1. Thế nào là công ty hợp danh. 2. Đặc diểm của công ty hợp danh. 3. Ưu điểm và nhược điểm của công ty hợp danh. |
1. Thế nào là công ty hợp danh
Theo quy định tại Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020 thì công ty hợp danh là doanh nghiệp:
Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn.
Như vậy, công ty hợp danh là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trong đó các thành viên cùng nhau tiến hành hoạt động thương mại.
2. Đặc diểm của công ty hợp danh
2.1. Thành viên công ty
- Có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, gọi là thành viên hợp danh.
- Ngoài ra, công ty hợp danh còn có thể có thêm thành viên góp vốn.
- Thành viên hợp danh phải là cá nhân.
- Thành viên góp vốn có thể là cá nhân hoặc tổ chức.
Lưu ý: Thành viên công ty hợp danh phải đáp ứng các yêu cầu về năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự.
2.2. Tài sản của công ty
Theo quy định tại Điều 179 thì tài sản của công ty hợp danh bao gồm:
- Tài sản góp vốn của các thành viên đã được chuyển quyền sở hữu cho công ty.
- Tài sản tạo lập được mang tên công ty.
- Tài sản thu được từ hoạt động kinh doanh do thành viên hợp danh thực hiện nhân danh công ty và từ hoạt động kinh doanh của công ty do thành viên hợp danh nhân danh cá nhân thực hiện.
- Tài sản khác theo quy định của pháp luật.
2.3. Tư cách pháp nhân
Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
2.4. Trách nhiệm rủi ro
Điều 177 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định:
- Thành viên hợp danh chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty.
- Thành viên góp vốn chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty.
Như vậy, bản chất công ty hợp danh có chế độ trách nhiệm vô hạn đối với chủ sở hữu trực tiếp. Riêng các thành viên góp vốn chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn. Đây là cơ chế để bảo vệ những đối tác cùng tham gia hoạt động kinh doanh.
2.5. Khả năng huy động vốn và mở rộng hoạt động
- Công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào, khả năng huy động vốn của doanh nghiệp bị hạn chế.
- Công ty hợp danh cũng bị hạn chế quyền mở rộng hoạt động hợp tác, sản xuất, kinh doanh khi thành viên hợp danh bị giới hạn một số quyền được quy định tại Điêu 179 Luật Doanh nghiệp 2020:
+ Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân; không được làm thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
+ Thành viên hợp danh không được nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác kinh doanh cùng ngành, nghề kinh doanh của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
+ Thành viên hợp danh không được chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho tổ chức, cá nhân khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.
3. Ưu điểm và nhược điểm của công ty hợp danh
3.1. Ưu điểm
- Do tính chất liên đới phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản của chủ sở hữu công ty nên dễ dàng tạo được sự tin cậy với chủ nợ, đối tác kinh doanh. Đây là ưu điểm lớn nhất của công ty hợp danh.
- Các thành viên sáng lập công ty là người thân, bạn bè, có mối quan hệ gắn bó với nhau. Hơn nữa, cơ cấu tổ chức của công ty hợp danh tương đối đơn giản. Vì thế tạo thuận lợi cho việc điều hành, quản lý hoạt động của doanh nghiệp.
- Mô hình thích hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng lại có tư cách pháp nhân tạo thuận lợi trong trong hoạt động sản xuât kinh doanh.
- Công ty có thể huy động vốn, mở rộng hoạt động kinh doanh thông qua phương thức góp vốn từ thành viên góp vốn. Đây là cơ chế mở đối với mô hình kinh doanh giản đơn.
3.2. Nhược điểm của công ty hợp danh
- Do tính liên đới chịu trách nhiệm vô hạn. Các thành viên hợp danh khi rời khỏi công ty vẫn chịu trách nhiệm với các khoản nợ của công ty đã phát sinh từ những cam kết trước đó. Mức độ rủi ro của những thành viên hợp danh khi kinh doanh không hiệu quả là rất cao.
- Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân nhưng lại không được phép phát hành chứng khoán, gây cản trở cho việc huy động vốn. Nguồn vốn của công ty chủ yếu có được từ chủ sở hữu và các thành viên khác.
- Tài sản công ty không tách bạch rõ ràng với tài sản của chủ sở hữu hay các loại tài sản khác, tạo rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khi một thành viên gây thiệt hại phát sinh từ các giao dịch cá nhân thì có thể phải dùng tài sản công ty để bồi thường thiệt hại.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
Mọi thông tin, xin liên hệ SÀI GÒN ĐẠI TÍN LAW FIRM:
♦ Địa chỉ: Số 169/6D Võ Thị Sáu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
♦ Điện thoại: 028 39 480 939.
♦ Hotline: 0913 655 471 (Luật sư Hải).
♦ Email: tuvan@saigondaitin.com.