TƯ VẤN CÁC HÌNH THỨC ĐẦU TƯ CỦA NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Thứ Th 5,
08/08/2024
Đăng bởi Support HRV

Hiện nay, theo quy định của Luật Đầu tư 2020 thì có 5 hình thức để nhà đầu tư nuớc ngoài thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Các hình thức đầu tư này được quy định rõ trong Luật Đầu tư 2020: Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp; thực hiện dự án đầu tư, đầu tư theo hợp đồng BCC; các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên có 4 hình thức đầu cơ bản được các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn để thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sài Gòn Đại Tín Law Firm xin giới thiệu cụ thể cùng quy khách hàng các hình thức đầu tư này để quý khách hàng có thể lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp với nhu cầu của mình.

NỘI DUNG CHÍNH:

1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.

2. Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.

3. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

4. Thực hiện dự án đầu tư.

1. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế

Theo quy định tại Điều 22 Luật Đầu tư 2020 thì nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập tổ chức kinh tế ở Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài: Được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, trừ trường hợp đầu tư các ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường.

- Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Như vậy, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương, tổ chức kinh tế do nhà đầu tư nước ngoài thành lập là nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

2. Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp

2.1. Các điều kiện để góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp

Theo quy định tại Điều 26 Luật Đầu tư 2020 thì việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các điều kiện:

- Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài: Được áp dụng điều kiện tiếp cận thị trường như quy định đối với nhà đầu tư trong nước, trừ trường hợp đầu tư các ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường.

- Đảm bảo quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Đầu tư.

- Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.

2.2. Thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp

Theo quy định tại Điều 26 Luật Đầu tư 2020 thì việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế phải đáp ứng các điều kiện:

- Nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện và thực hiện thủ tục thay đổi thành viên, cổ đông theo quy định của pháp luật tương ứng với từng loại hình tổ chức kinh tế.

- Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế trước khi thay đổi thành viên, cổ đông nếu thuộc một trong các trường hợp:

+ Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài thuộc trường hợp bắt buộc phải đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: Tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế.

+ Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

- Nhà đầu tư không thuộc những trường hợp quy định trên thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông, thành viên theo quy định của pháp luật có liên quan khi góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế.

3. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC

3.1. Điều kiện chung để thực hiện hợp đồng BCC

Các điều kiện chung để thực hiện hợp đồng BCC được quy định tại Điều 27 Luật Đầu tư 2020:

- Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư 2020.

- Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.

3.2. Nội dung chính của hợp đồng BCC

- Các nội dung cơ bản của hợp đồng BCC được quy định tại Điều 28 Luật Đầu tư 2020:

+ Thông tin cơ bản của các bên tham gia hợp đồng: Tên công ty, người đại diện theo pháp luật, địa chỉ giao dịch,…

+ Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh.

+ Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên.

+ Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng.

+ Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng.

+ Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng.

+ Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.

- Trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Lưu ý: Các bên tham gia hợp đồng BCC có quyền thỏa thuận những nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.

4. Thực hiện dự án đầu tư

4.1. Chấp thuận dự án đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư

- Chấp thuận dự án đầu tư:

+ Các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư được quy định trong Luật Đầu tư bao gồm: Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Các cơ quan này được gọi chung là cơ quan chấp thuận dự án đầu tư.

+ Trường hợp dự án đầu tư có các mục tiêu, nội dung thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của các cơ quan chấp thuận chủ trương đầu tư khác nhau thì cơ quan có thẩm quyền cao nhất chấp thuận chủ trương đầu tư đối với toàn bộ dự án.

- Lựa chọn nhà đầu tư:

+ Đấu giá uyền sử dụng đất trong trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thuộc diện phải đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

+ Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

+ Xem xét chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các trường hợp khác: Nhà đầu tư có quyền sử dụng đất, nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dư án kinh doanh phi nông nghiệp, nhà đầu tư thực hiện dự án trong khu công nghiệp khu, công nghệ cao,…

Lưu ý: Các trường hợp này đều phải đáp ứng được các yêu cầu của pháp luật về đất đai và các quy định khác.

+ Thực hiện thủ tục chấp thuận trong trường hợp: Chỉ có một nhà đầu tư tham gia đấu thầu, chỉ có một nhà đầu tư đáp ứng được yêu cầu theo quy định của luật đấu thầu hoặc đã tổ chức đấu thầu 02 lần nhưng không thành.

4.2. Hồ sơ, thủ tục lập, thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư

Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2020 thì hồ sơ đề nghị chấp thuận dự án đầu tư bao gồm:

- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận.

- Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư.

- Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.

- Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư.

- Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư.

- Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ.

- Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

- Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).

 

THÔNG TIN LIÊN HỆ:

Mọi thông tin, xin liên hệ  SÀI GÒN ĐẠI TÍN LAW FIRM:

♦ Địa chỉ: Số 169/6D Võ Thị Sáu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

♦ Điện thoại: 028 39 480 939.

♦ Hotline: 0913 655 471 (Luật sư Hải: tư vấn miễn phí) .

♦ Email: tuvan@saigondaitin.com

 

 

 

 

Bài viết liên quan

popup

Số lượng:

Tổng tiền: