TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ CỦA CHỦ DOANH NGHIỆP

Thứ Th 7,
01/03/2025
Đăng bởi Support HRV

TRÁCH NHIỆM PHÁP LÝ CỦA CHỦ DOANH NGHIỆP

Chủ doanh nghiệp không chỉ chịu trách nhiệm quản lý và vận hành mà còn phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan. Tùy vào loại hình doanh nghiệp, trách nhiệm pháp lý có thể bao gồm nghĩa vụ tài chính, trách nhiệm dân sự và hình sự. Hiểu rõ các quy định này sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động bền vững, tránh rủi ro pháp lý và bảo vệ quyền lợi trước pháp luật.

đồ họa miêu tả trách nhiệm pháp lý của chủ doanh nghiệp

1. Nắm vững các tài liệu pháp lý của doanh nghiệp

Các tài liệu pháp lý là yếu tố cốt lõi giúp doanh nghiệp xác định tư cách pháp nhân, tình trạng và vị thế pháp lý. Theo Luật Doanh nghiệp 2020 (Điều 11), doanh nghiệp cần lưu trữ các giấy tờ quan trọng như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/đầu tư, điều lệ công ty, sổ đăng ký thành viên/cổ đông, hợp đồng, biên bản họp, tài liệu tài chính – kế toán, giấy phép kinh doanh có điều kiện, tài liệu xác nhận quyền sở hữu tài sản, văn bản của cơ quan nhà nước, v.v.

Việc lưu trữ và quản lý tốt những tài liệu này không chỉ giúp doanh nghiệp vận hành hợp pháp mà còn hỗ trợ trong các hoạt động vay vốn, kiểm toán, tranh chấp pháp lý hoặc định giá khi cần chuyển nhượng.

2. Hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp 2020 (Điều 7 & 8) quy định rõ quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp.

  • Quyền: Doanh nghiệp được tự do kinh doanh ngành nghề hợp pháp, tự chủ về tổ chức, huy động vốn, tuyển dụng lao động, ký kết hợp đồng, ứng dụng công nghệ, bảo vệ tài sản, khiếu nại và tố tụng theo quy định.
  • Nghĩa vụ: Doanh nghiệp phải tuân thủ các điều kiện kinh doanh, kê khai trung thực, thực hiện nghĩa vụ tài chính – kế toán, đảm bảo quyền lợi người lao động, tuân thủ chính sách bảo hiểm và các quy định pháp luật khác.

Không thực hiện quyền có thể không gây hậu quả pháp lý, nhưng không tuân thủ nghĩa vụ có thể dẫn đến thanh tra, xử phạt, thậm chí là truy cứu trách nhiệm hình sự trong các trường hợp nghiêm trọng như trốn thuế, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

đồ họa miêu tả trách nhiệm pháp lý của chủ doanh nghiệp

3. Quản lý dòng tiền theo quy định pháp luật

Dòng tiền là yếu tố quyết định sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, bao gồm tiền vào (doanh thu, vốn góp, lãi đầu tư) và tiền ra (chi phí hoạt động, trả lương, thanh toán đối tác). Để đảm bảo minh bạch, doanh nghiệp cần:

  • Phân biệt chi tiêu cá nhân và doanh nghiệp, có đầy đủ chứng từ hợp pháp và hợp lệ.
  • Các khoản chi trên 20 triệu đồng phải thanh toán qua ngân hàng để được khấu trừ thuế.
  • Một số khoản mua từ cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ có thể thanh toán bằng tiền mặt nhưng cần bảng kê theo quy định.

Việc kiểm soát dòng tiền giúp doanh nghiệp tránh vi phạm thuế và quản lý tài chính hiệu quả.

4. Hiểu rõ pháp lý về hợp đồng thương mại

Hợp đồng thương mại đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh, là cơ sở pháp lý ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia giao dịch. Mỗi loại hợp đồng đều chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật khác nhau, do đó, chủ doanh nghiệp cần nắm vững các nguyên tắc và lưu ý quan trọng để tránh rủi ro pháp lý.

  • Xác minh đối tác: Trước khi ký kết hợp đồng, doanh nghiệp cần kiểm tra kỹ tư cách pháp lý của đối tác, bao gồm thông tin về tư cách pháp nhân, giấy phép hoạt động, tình trạng tài chính, lịch sử kinh doanh, cũng như các tranh chấp pháp lý (nếu có). Điều này giúp hạn chế nguy cơ giao dịch với đối tác không đủ năng lực hoặc có dấu hiệu lừa đảo.
  • Đảm bảo tính hợp lệ của hợp đồng: Một hợp đồng thương mại chỉ có giá trị pháp lý khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, bao gồm:
    • Chủ thể: Các bên tham gia hợp đồng phải có đủ năng lực pháp lý và thẩm quyền ký kết.
    • Sự tự nguyện: Hợp đồng được ký kết dựa trên sự thỏa thuận tự nguyện, không bị ép buộc hay lừa dối.
    • Mục đích và nội dung hợp đồng: Không được vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội hoặc gây thiệt hại đến lợi ích chung.

đồ họa miêu tả trách nhiệm pháp lý về hợp đồng thương mại

  • Nắm rõ các điều khoản quan trọng: Chủ doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến các nội dung chính trong hợp đồng, bao gồm:
    • Giá trị hợp đồng: Số tiền thanh toán, phương thức thanh toán, thời hạn và điều kiện thanh toán.
    • Quyền và nghĩa vụ của các bên: Xác định rõ quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, trách nhiệm của từng bên khi không thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ của mình để tránh tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng.
    • Thời hạn hợp đồng: Xác định thời gian có hiệu lực và các điều kiện gia hạn (nếu có).
    • Bảo mật thông tin: Nếu hợp đồng có liên quan đến dữ liệu quan trọng, cần quy định chặt chẽ về bảo mật để tránh rủi ro thất thoát thông tin. Đồng thời, phải đưa ra trách nhiệm pháp lý và chế tài cụ thể khi một bên vi phạm nội dung bảo mật thông tin.
  • Dự đoán rủi ro và phương án xử lý tranh chấp: Một hợp đồng chặt chẽ cần có các điều khoản dự phòng để xử lý các tình huống phát sinh ngoài ý muốn. Chủ doanh nghiệp cần lưu ý:
    • Điều khoản về vi phạm hợp đồng: Xác định trách nhiệm pháp lý khi một bên không thực hiện đúng cam kết. Cần lưu ý về mức phạt theo quy định tại Luật Thương mại và Bộ luật Dân sự.
    • Điều khoản tạm dừng và chấm dứt hợp đồng: Quy định các trường hợp hợp đồng tạm dừng và bị chấm dứt trước thời hạn và nghĩa vụ của các bên khi điều này xảy ra.
    • Cơ chế giải quyết tranh chấp: Xác định hình thức giải quyết tranh chấp như thương lượng, hòa giải, trọng tài thương mại hoặc khởi kiện tại tòa án để bảo vệ quyền lợi hợp pháp. Lưu ý khi các bên lựa chọn trọng tài cần phải ghi rõ tên của trọng tài, luật áp dụng, cơ chế lựa chọn trọng tài viên và tố tụng trọng tài…

Việc soạn thảo và ký kết hợp đồng một cách cẩn trọng không chỉ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro pháp lý mà còn nâng cao sự chuyên nghiệp, đảm bảo quyền lợi và duy trì quan hệ hợp tác lâu dài với đối tác.

5. Kết luận

Trách nhiệm pháp lý của chủ doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng đảm bảo hoạt động kinh doanh tuân thủ pháp luật và bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan. Trong môi trường kinh doanh hiện đại, chủ doanh nghiệp không chỉ chịu trách nhiệm về mặt tài chính mà còn phải đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật về lao động, thuế, môi trường, cạnh tranh, và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

Bài viết liên quan

popup

Số lượng:

Tổng tiền: