Thông thường bị cáo sẽ bị tạm giam trong giai đoạn xét xử. Tuy nhiên, có một số trường hợp như bị cáo đang bị bệnh, bị tai nạn, bị cáo là phụ nữ đang mang thai, bị cáo là có nhân thân rõ ràng, là lao động chính của gia đình, … thì bị cáo sẽ không bị tạm giam. Như vậy, sau khi có bản án hình sự do Tòa án tuyên thì bị cáo phải chấp hành bản án đó thông qua thủ tục thi hành án hình sự. Tuy nhiên, không phải bất cứ lúc nào cũng có thể cưỡng chế người bị kết án thi hành án hình sự. Phải có chính sách giới hạn thời gian bắt buộc thi hành án đối với họ. Cũng có trường hợp bị cáo được miễn chấp hành hình phạt do hoàn cảnh đặc biệt hoặc có tình tiết để không phải chấp hành hình phạt. Đây là những quy định mang tính nhân đạo, phù hợp quy định của pháp luật quốc tế về quyền con người. Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định cụ thể về thời hiệu thi hành án hình sự và miễn chấp hành hình phạt:
NỘI DUNG CHÍNH: 1. Thời hiệu thi hành bản án hình sự. 2. Không áp dụng thời hiệu thi hành bản án hình sự. 3. Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt. 4. Miễn chấp hành hình phạt. |
1. Thời hiệu thi hành bản án hình sự
1.1. Khái niệm thời hiệu thi hành bản án hình sự
Theo quy định tại Điều 60 Bộ luật Hình (BLHS) 2015 thì tời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do Bộ luật Hình sự quy định mà khi hết thời hạn đó người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án không phải chấp hành bản án đã tuyên.
Có nghĩa là pháp luật hình sự cho người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án một khoảng thời gian nhất định để tự nguyện thi hành án và cho các cơ quan có thẩm quyền (ở đây chủ yếu là Cơ quan thi hành án hình sự) một khoảng thời gian nhất định để ra Quyết định thi hành án đối với người bị kết án hoặc pháp nhân thương mại bị kết án. Nếu người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án không tự nguyện thi hành án khi nhận được Quyết định thi hành án thì sẽ bị cưỡng chế để thi hành bản án, quyết định hình sự mà Tòa án đã tuyên. Tuy nhiên, nếu hết khoảng thời gian mà pháp luật hình sự quy định, cơ quan có thẩm quyền vẫn không ra Quyết định thi hành án đối với người bị kết án hay pháp nhân thương mại thì người đó không cần phải thi hành bản án, quyết định mà Tòa án đã tuyên.
1.2. Thời hiệu thi hành án hình sự đối với người phải thi hành án, pháp nhân thương mại
Thời hiệu thi hành án hình sự đối với người bị kết án và pháp nhân thương mại bị kết án được quy định trong Điều 60 BLHS 2015.
a) Thời hiệu thi hành án hình sự đối với người bị kết án:
Thời hiệu thi hành án hình sự đối với người bị kết án là:
- 05 năm đối với các trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù từ 03 năm trở xuống.
- 10 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 03 năm đến 15 năm.
- 15 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 15 năm đến 30 năm.
- 20 năm đối với các trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc tử hình.
b) Thời hiệu thi hành án đối với pháp nhân thương mại bị kết án:
Thời hiệu thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại là: 05 năm.
1.3. Cách tính thời hiệu thi hành bản án hình sự
Theo quy định tại Điều 60 BLHS 2015:
Thời hiệu thi hành bản án hình sự được tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu trong thời hạn do BLHS 2015 quy định, người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án lại thực hiện hành vi phạm tội mới, thì thời hiệu tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Lưu ý: Trong thời hạn do BLHS 2015 quy định mà người bị kết án cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ ngày người đó ra trình diện hoặc bị bắt giữ.
2. Không áp dụng thời hiệu thi hành bản án hình sự
Theo quy định tại Điều 61 BLHS 2105 thì Không áp dụng thời hiệu thi hành bản án đối với các trường hợp sau :
- Các tội xâm phạm an ninh quốc gia.
- Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.
- Tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà mức hình phạt từ 15 năm đến 20 năm tù và mức hình phạt từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Không áp dụng thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với các trường hợp này vì các trường hợp này thực hiện hành vi phạm tội mà mức độ nguy hiểm cho xã hội cao, ảnh hưởng đến quyền lợi tập thể, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước và gây thiệt hại cho người dân.
3. Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt
Theo quy định tại Điều 68 BLHS 2015:
Người đang chấp hành hình phạt tù mà thuộc một trong các trường hợp hoãn chấp hành hình phạt tù thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù:
+ Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục.
+ Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi.
+ Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
+ Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm.
Lưu ý:
- Thời gian tạm đình chỉ không được tính vào thời gian chấp hành hình phạt tù.
- Đối với người đang chấp hành hình phạt tù bị bệnh nặng thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù một lần hoặc nhiều lần cho đến khi sức khỏe hồi phục (Điều 8 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP).
- Đối với người đang chấp hành hình phạt tù là lao động duy nhất trong gia đình hoặc do nhu cầu công vụ thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù một lần hoặc nhiều lần, nhưng tổng số thời gian được tạm đình chỉ tối đa là 01 năm (Điều 8 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP).
4. Miễn chấp hành hình phạt
Theo quy định tại Điều 62 BLHS 2015:
a) Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá.
b) Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Sau khi bị kết án đã lập công.
- Mắc bệnh hiểm nghèo.
- Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
c) Người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt nếu đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.
d) Người bị kết án phạt tù đến 03 năm, đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, nếu trong thời gian được tạm đình chỉ mà đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.
e) Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại.
g) Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người đó chấp hành hình phạt, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.
Lưu ý: Người được miễn chấp hành hình phạt vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dân sự do Tòa án tuyên trong bản án.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
Mọi thông tin, xin liên hệ SÀI GÒN ĐẠI TÍN LAW FIRM:
♦ Địa chỉ: Số 169/6D Võ Thị Sáu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
♦ Điện thoại: 028 39 480 939.
♦ Hotline: 0913 655 471 (Luật sư Hải).
♦ Email: tuvan@saigondaitin.com.