Tạm giam là biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất được áp dụng trong tố tụng hình sự. Nếu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có căn cứ thì bất cứ người bị buộc tội nào cũng có thể bị tạm giam kể từ giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án. Nếu không quy định cụ thể về việc tạm giam thì có thể bị áp dụng một cách tùy tiện. Những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng vì muốn dễ dàng cho việc giải quyết vụ án, do thận trọng, loại trừ trường hợp người bị buộc tội sẽ bỏ trốn hoặc tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội sẽ ra quyết định tạm giam. Điều này là nguồn gốc của sự lạm quyền. Có những trường hợp nhân thân người bị buộc tội rõ ràng, không có dấu hiệu bỏ trốn hay tiếp tục phạm tội nhưng vẫn bị người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc này. Bất cứ biện pháp ngăn chặn nào cũng phải quan tâm đến quyền cơ bản của con người, của công dân. Nhất là đối với lĩnh vực hình sự, liên quan đến tính mạng và chính trị.
Sài Gòn Đại Tín Law Firm xin giới thiệu cùng quý khách hàng một số quy định cơ bản của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về tạm giam:
NỘI DUNG CHÍNH: 1. Người bị áp dụng biện pháp tạm giam. 2. Căn cứ tạm giam. 3. Quy trình thủ tục áp dụng biện pháp tạm giam. 4. Thời hạn áp dụng biện pháp tạm giam. 5. Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giam. |
1. Người bị áp dụng biện pháp tạm giam
Theo quy định tại Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015:
- Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.
- Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm.
Như vậy, người bị tạm giam sẽ bao gồm: Bị can, bị cáo. Trong đó:
- Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự (khoản 1 Điều 60 BLTTHS 2015).
- Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án đưa ra xét xử (khoản 1 Điều 61 BLTTHS 2015).
2. Căn cứ tạm giam
Theo quy định tại Điều 119 BLTTHS 2015 thì biện pháp tạm giam được áp dụng căn cứ theo phân loại tội phạm và nhân thân, hành vi của người phạm tội:
2.1. Áp dụng biện pháp tạm giam căn cứ phân loại tội phạm
Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng.
Theo phân loại tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 thì:
- Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng: Là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS 2015 quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình (khoản 4 Điều 9 BLHS 2015).
- Tội phạm rất nghiêm trọng: Là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS 2015 quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm đến 15 năm tù (khoản 3 Điều 9 BLHS 2015).
2.2. Áp dụng biện pháp tạm giam căn cứ nhân thân, hành vi của người phạm tội
Tạm giam có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, ít nghiêm trọng trong một số trường hợp nhất định.
Theo phân loại tội phạm được quy định trong BLHS 2015 thì:
- Tội phạm nghiêm trọng: Là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS 2015 quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm đến 07 năm tù (khoản 2 Điều 9 BLHS 2015).
- Tội phạm ít nghiêm trọng: Là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do BLHS 2015 quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm (khoản 1 Điều 9 BLHS 2015).
a) Áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo về tội nghiêm trọng, ít nghiêm trọng trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp:
- Đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng vi phạm;
- Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can;
- Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc có dấu hiệu bỏ trốn;
- Tiếp tục phạm tội hoặc có dấu hiệu tiếp tục phạm tội;
- Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm và người thân thích của những người này.
b) Áp dụng biện pháp tạm giam đối với bị can, bị cáo về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.
c) Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác. Chỉ áp dụng biện pháp tạm giam đối với trường hợp:
- Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã;
- Tiếp tục phạm tội;
- Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này;
- Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
Như vậy, biện pháp tạm giam có thể được áp dụng với tất cả các loại tội phạm: Ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng nếu Cơ quan điều tra có căn cứ.
3. Quy trình thủ tục áp dụng biện pháp tạm giam.
3.1. Chủ thể có thẩm quyền ra quyết định tạm giam.
Theo quy định tại Điều 113 BLTTHS 2015 thì những người sau đay có quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam:
- Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
- Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp.
- Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử.
3.2. Thủ tục áp dụng biện pháp tạm giam.
Thủ tục áp dụng biện pháp tạm giam được quy định tại Điều 113 và Điều 119 BLTTHS 2015 như sau:
- Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được lệnh tạm giam, đề nghị xét phê chuẩn và hồ sơ liên quan đến việc tạm giam, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Viện kiểm sát phải hoàn trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra ngay sau khi kết thúc việc xét phê chuẩn.
- Lệnh bắt, quyết định phê chuẩn lệnh, quyết định bắt phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị bắt; lý do bắt và các nội dung về văn bản tố tụng được quy định cụ thể trong BLTTHS 2015.
- Người thi hành lệnh, quyết định phải đọc lệnh, quyết định; giải thích lệnh, quyết định, quyền và nghĩa vụ của người bị bắt và phải lập biên bản về việc bắt; giao lệnh, quyết định cho người bị bắt.
- Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó cư trú phải có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người khác chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi người đó làm việc, học tập phải có đại diện cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập chứng kiến. Khi tiến hành bắt người tại nơi khác phải có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người.
- Cơ quan điều tra phải kiểm tra căn cước của người bị tạm giam và thông báo ngay cho gia đình người bị tạm giam, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người bị tạm giam cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị tạm giam làm việc, học tập biết.
Lưu ý: Không được bắt người vào ban đêm, trừ trường hợp phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã. Mà theo quy định tại Điều 134 BLTTHS 2014 thì ban đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.
4. Thời hạn áp dụng biện pháp tạm giam
4.1. Thời hạn tạm giam trong giai đoạn điều tra
Theo quy định tại Điều 173 BLTTHS 2015:
a) Thời hạn tạm giam bị can để điều tra:
- Không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng.
- Không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng.
- Không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
b) Gia hạn tạm giam trong giai đoạn điều tra:
Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam. Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau:
- Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 01 tháng.
- Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 02 tháng.
- Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 03 tháng.
- Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng.
Lưu ý: Trường hợp cần thiết đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng không phải là tội xâm phạm an ninh quốc gia và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần nhưng không quá 04 tháng; trường hợp đặc biệt không có căn cứ để hủy bỏ biện pháp tạm giam thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định việc tạm giam cho đến khi kết thúc việc điều tra.
4.2. Thời hạn tạm giam trong giai đoạn chuẩn bị xét xử
a) Thời hạn tạm giam bị can để chuẩn bị xét xử:
Theo quy định tại Điều 278 BLTTHS 2015:
Thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều 277 của BLTTHS 2015 (tính từ ngày Tòa án thụ lý vụ án):
- 30 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng.
- 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng.
- 02 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng.
- 03 tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
b) Gia hạn tạm giam trong gia đoạn chuẩn bị xét xử:
Theo quy định tại Điều 277 BLTTHS 2015: Đối với vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử bằng thời hạn tạm giam nhưng có giới hạn:
- Không quá 15 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng.
- Không quá 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Lưu ý: Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì Hội đồng xét xử ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa.
4.3. Tạm giam sau khi Tòa án cấp sơ thẩm tuyên án
Theo quy định tại Điều 329 BLTTHS 2015:
- Trường hợp bị cáo đang bị tạm giam mà bị xử phạt tù nhưng xét thấy cần tiếp tục tạm giam để bảo đảm thi hành án thì Hội đồng xét xử ra quyết định tạm giam bị cáo(1), trừ trường hợp:
+ Bị cáo bị xử phạt tù nhưng được hưởng án treo.
+ Thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian bị cáo đã bị tạm giam.
- Trường hợp bị cáo không bị tạm giam nhưng bị xử phạt tù thì họ chỉ bị bắt tạm giam để chấp hành hình phạt khi bản án đã có hiệu lực pháp luật. Hội đồng xét xử có thể ra quyết định bắt tạm giam bị cáo ngay tại phiên tòa nếu có căn cứ cho thấy bị cáo có thể trốn hoặc tiếp tục phạm tội (2).
Thời hạn tạm giam của trường hợp (1) và (2) là không quá 45 ngày kể từ ngày tuyên án.
- Trường hợp bị cáo bị xử phạt tử hình thì Hội đồng xét xử quyết định trong bản án việc tiếp tục tạm giam bị cáo để bảo đảm thi hành án.
5. Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giam.
5.1. Quyền của người bị tạm giam.
Người bị tạm giam bao gồm bị can, bị cáo. Nên người bị tạm giam có đầy đủ các quyền của bị can, bị cáo được quy định cụ thể tại Điều 60 và Điều 61 BLTTHS 2015. Một số quyền cơ bản, quan trọng của người bị tạm giam có thể kể đến là:
- Nhận các quyết định liên quan đến vụ án: Quyết định tạm giam, quyết định gia hạn tạm giam, quyết định hủy bỏ việc áp dụng biện pháp tạm giam,…
- Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.
- Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu.
- Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá.
- Tự bào chữa, nhờ người bào chữa.
- Đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu.
- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
5.2. nghĩa vụ của người bị tạm giam
Người bị tạm giam bao gồm bị can, bị cáo. Vì thế người bị tạm giam phải thực hiện các nghĩa vụ của bị can, bị cáo theo quy định của BLTTHS 2015. Một số nghĩa vụ cơ bản của người bị tạm giam có thể kể đến là:
- Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải, nếu bỏ trốn thì bị truy nã;
- Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
Mọi thông tin, xin liên hệ SÀI GÒN ĐẠI TÍN LAW FIRM:
♦ Địa chỉ: Số 169/6D Võ Thị Sáu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
♦ Điện thoại: 028 39 480 939.
♦ Hotline: 0913 655 471 (Luật sư Hải).
♦ Email: tuvan@saigondaitin.com.