QUYỀN SỞ HỮU CHUNG CỦA CÁC THÀNH VIÊN GIA ĐÌNH

Thứ Th 4,
11/09/2024
Đăng bởi Haravan Support

Trong nhiều trường hợp các anh, chị, em ruột được cha mẹ tặng, cho chung một căn nhà hoặc các anh, chị, em ruột góp cùng đóng góp để mua một căn nhà, một chiếc xe ô tô,… Pháp luật dân sự xác định đây là tài sản thuộc sở hữu chung của các thành viên gia đình. Hình thức sở hữu chung này diễn ra phổ biến. Cần phải có quy định cụ thể về vân đề phân chia quyền sở hữu tài sản đối với những trường hợp này để hạn chế tình trạng tranh chấp, ảnh hưởng đến mối hệ giữa những người thân trong gia đình.

Sài Gòn Đại Tín Law Firm đã cập nhật những quy định về sở hữu chung của thành viên gia đình trong bài viết sau để gửi đến quý khách hàng:

NỘI DUNG CHÍNH:

1. Khái niệm và nguyên tắc sở hữu chung của các thành viên gia đình.

2. Quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của thành viên gia đình

3. Chia tài sản chung của thành viên trong gia đình.

4. Chấm dứt sở hữu chung của thành viên gia đình.

1. Khái niệm và nguyên tắc sở hữu chung của các thành viên gia đình

1.1. Tài sản thuộc sở hữu chung của các thành viên gia đình

Theo quy định tại Điều 212 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015:

Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của BLDS 2015 và luật khác có liên quan.

Ví dụ: Tài sản các anh, chị, em được cha, mẹ tặng, cho chung, tài sản do các anh, chị, em chùng đóng góp để mua,…

1.2. Nguyên tắc sở hữu chung của các thành viên gia đình

- Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận.

- Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.

- Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần do BLDS 2015 quy định và luật khác có liên quan, trừ trường hợp sở hữu chung của vợ chồng.

Như vậy, nếu không có thỏa thuận thì việc sở hữu chung của các thành viên gia đình sẽ được áp dụng theo nguyên tắc sở hữu tài sản thuộc sở hữu chung theo phần quy định tại Điều 209 BLDS 2015: Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền, nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của thành viên gia đình

2.1. Quản lý tài sản chung của thành viên gia đình

Theo quy định tại Điều 216 BLDS 2015: Các chủ sở hữu chung cùng quản lý tài sản chung theo nguyên tắc nhất trí, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Có nghĩa là, tất cả những người đồng sở hữu sẽ thỏa thuận và quyết định về việc quản lý đối phần tài sản đang thuộc sở hữu chung.

2.2.  Sử dụng tài sản chung của thành viên gia đình

Theo quy định tại Điều 217 BLDS 2015: Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Mà theo quy định tại Điều 109 BLDS 2015:

- Hoa lợi là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại. Ví dụ trong phần đất vườn thuộc sở hữu chung có trồng cây xoài, cây mít thì những quả xoài, quả mít thu hoạch được từ cây xoài, cây mít đó là hoa lợi. Thông thường hoa lợi là sản vậy sinh ra từ tài sản như vật nuôi, cây trồng,…

- Lợi tức là khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản. Ví dụ: Tài sản chung là căn nhà. Các đồng sở hữu thống nhất cho thuê căn nhà đó. Vậy tiền thuê thu được hàng tháng là lợi tức phát sinh từ tài căn nhà đó.

2.3. Định đoạt tài sản chung của thành viên gia đình

Nếu những người đồng sở hữu không có thỏa thuận khác thì việc phân chia tài sản được áp dụng theo nguyên tắc phân chia tài sản chung theo phần. Theo quy định tại Điều 218 BLDS 2105:

a) Mỗi chủ sở hữu chung theo phần có quyền định đoạt phần quyền sở hữu của mình.

b) Trường hợp một chủ sở hữu chung theo phần bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua.

- Trong thời hạn 03 tháng đối với tài sản chung là bất động sản, 01 tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác. Việc thông báo phải được thể hiện bằng văn bản và các điều kiện bán cho chủ sở hữu chung khác phải giống như điều kiện bán cho người không phải là chủ sở hữu chung.

- Trường hợp bán phần quyền sở hữu mà có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu Tòa án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua; bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại.

c) Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với bất động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc về Nhà nước, trừ trường hợp sở hữu chung của cộng đồng thì thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu chung còn lại.

d) Trường hợp một trong các chủ sở hữu chung đối với động sản từ bỏ phần quyền sở hữu của mình hoặc khi người này chết mà không có người thừa kế thì phần quyền sở hữu đó thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu còn lại.

e) Trường hợp tất cả các chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với tài sản chung thì việc xác lập quyền sở hữu được áp dụng theo quy định về xác lập quyền sở hữu đối với tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu của BLDS 2015.

3. Chia tài sản chung của thành viên trong gia đình

Theo quy định tại Điều 219 BLDS 2015:

a) Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác.

b) Trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán và chủ sở hữu chung đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung và tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị các chủ sở hữu chung còn lại phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

4. Chấm dứt sở hữu chung của thành viên gia đình

Theo quy định tại Điều 220 BLDS 2015 thì sở hữu chung của các thành viên gia đình chấm dứt trong những trường hợp sau:

- Tài sản chung đã được chia.

- Một trong số các chủ sở hữu chung được hưởng toàn bộ tài sản chung.

- Tài sản chung không còn.

- Trường hợp khác theo quy định của luật.

THÔNG TIN LIÊN HỆ:

Mọi thông tin, xin liên hệ  SÀI GÒN ĐẠI TÍN LAW FIRM:

♦ Địa chỉ: Số 169/6D Võ Thị Sáu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

♦ Điện thoại: 028 39 480 939.

♦ Hotline: 0913 655 471 (Luật sư Hải).

♦ Email: tuvan@saigondaitin.com.

 

 

 

 

Bài viết liên quan

popup

Số lượng:

Tổng tiền: