Khi tham gia quá trình tố tụng dân sự các đương sự thường bối rối, ngần ngại vì chưa nắm vững các thủ tục và chưa hiểu được các quyền, lợi ích hợp pháp của mình đã được pháp luật ghi nhận. Pháp luật dân sự tôn trọng quyền tự định đoạt của các đương sự và quy định đây là nguyên tắc cơ bản khi giải quyết các vụ, việc. Chính vì thế đương sự có quyền được yêu cầu những người khác tham gia vào vụ án, việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đóng vai trò quan trọng. Họ góp phần bảo vệ những người yếu thế, thu thập chứng cứ, cung cấp chứng cứ cho cơ quan có thẩm quyền tố tụng giúp quá trình giải quyết vụ án được thuận lợi, nhanh chóng.
Sài Gòn Đại Tín Law Firm xin giới thiệu những quy định chung về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự:
NỘI DUNG CHÍNH: 1. Khái niệm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự. 2. Thủ tục đăng ký làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. 3. Quyền, nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. |
1. Khái niệm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong tố tụng dân sự
1.1. Thế nào là đương sự trong vụ, việc dân sự
Theo quy định tại Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015:
- Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
- Đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
1.2. Thế nào là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
Theo quy định tại Điều 75 BLTTDS 2015:
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
1.3. Những người có thể làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
Theo quy định tại Điều 75 BLTTDS 2015 thì những người sau đây được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi có yêu cầu của đương sự và được Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự:
- Luật sư tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về luật sư.
- Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý
- Đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong vụ việc lao động theo quy định của pháp luật về lao động, công đoàn.
- Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không có án tích hoặc đã được xóa án tích, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không phải là cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát và công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an.
Như vậy, khi tham gia quá trình tố tụng dân sự, nếu cần sự hỗ trợ của người khác để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp trong vụ án trong vụ án, việc dân sự thì đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự có thể yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật. Trong thực tiễn đương sự thường yêu cầu các luật sư là những người có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
2. Thủ tục đăng ký làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
Theo quy định tại Điều 75 BLTTDS 2015:
Bước 1: Khi đề nghị Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người đề nghị phải xuất trình các giấy tờ sau đây:
a) Luật sư xuất trình các giấy tờ theo quy định của Luật luật sư. Ví dụ như:
+ Thông tin giấy triệu tập phiên tòa.
+ Thông tin của đương tự yêu cầu luật sư (Tên, địa chỉ thường trú, nơi ở, căn cước công dân…).
+ Nội dung yêu cầu và tên luật sư tham gia.
b) Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý xuất trình văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc thẻ luật sư.
c) Đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động xuất trình văn bản của tổ chức đó cử mình tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, tập thể người lao động.
d) Công dân Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo quy định của BLTTDS 2105 xuất trình giấy yêu cầu của đương sự và giấy tờ tùy thân.
Bước 2: Sau khi kiểm tra giấy tờ và thấy người đề nghị có đủ điều kiện làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự quy định của BLTTDS 2015 thì trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị, Tòa án phải vào sổ đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và xác nhận vào giấy yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Trường hợp từ chối đăng ký thì Tòa án phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người đề nghị.
3. Quyền, nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
Theo quy định tại Điều 76 BLTTDS 2015 thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có các quyền, nghĩa vụ sau:
- Tham gia tố tụng từ khi khởi kiện hoặc bất cứ giai đoạn nào trong quá trình tố tụng dân sự.
- Thu thập và cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án; nghiên cứu hồ sơ vụ án và được ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ án để thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, trừ tài liệu, chứng cứ không được công khai theo quy định của BLTTDS 2015 như: Chứng cứ liên quan đến bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục dân tộc, bí mật cá nhân, bí mật kinh doanh,...
- Tham gia việc hòa giải, phiên họp, phiên tòa hoặc trường hợp không tham gia thì được gửi văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cho Tòa án xem xét.
- Thay mặt đương sự yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.
- Giúp đương sự về mặt pháp lý liên quan đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ; trường hợp được đương sự ủy quyền thì thay mặt đương sự nhận giấy tờ, văn bản tố tụng mà Tòa án tống đạt hoặc thông báo và có trách nhiệm chuyển cho đương sự.
- Các quyền, nghĩa vụ của đương sự:
+ Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp tài liệu, chứng cứ đó cho mình.
+ Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án và chấp hành quyết định của Tòa án trong quá trình Tòa án giải quyết vụ việc.
+ Đề nghị Tòa án đưa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng.
+ Đề nghị Tòa án tạm đình chỉ giải quyết vụ việc theo quy định của Bộ luật này.
+ Đưa ra câu hỏi với người khác về vấn đề liên quan đến vụ án hoặc đề xuất với Tòa án những vấn đề cần hỏi người khác; được đối chất với nhau hoặc với người làm chứng.
+ Tranh luận tại phiên tòa, đưa ra lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng.
- Quyền, nghĩa vụ khác mà pháp luật có quy định.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
Mọi thông tin, xin liên hệ SÀI GÒN ĐẠI TÍN LAW FIRM:
♦ Địa chỉ: Số 169/6D Võ Thị Sáu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
♦ Điện thoại: 028 39 480 939.
♦ Hotline: 0913 655 471 (Luật sư Hải).
♦ Email: tuvan@saigondaitin.com.