Hợp đồng vay tài sản là loại hợp đồng được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày. Đây là hợp đồng thỏa thuận việc bên A giao cho bên B tài sản của mình và bên B phải hoàn trả lại tài sản có giá trị tương đương tài sản đó. Giao dịch dân sự này nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu hoặc nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Thông thường hợp đồng vay tài sản được giao kết bằng uy tín, dựa vào sự tin tưởng giữa các bên, bên vay không có tài sản bảo đảm. Vì thế bên cho vay rất dễ gặp rủi ro khi giao kết hợp đồng nếu bên vay không thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán khoản nợ đã vay. Pháp luật dân sự đã có quy định cụ thể về nghĩa vụ phải trả nợ của bên vay.
Sài Gòn Đại Tín Law Firm sẽ giới thiệu đến quý khách hàng những nội dung cơ bản về hợp đồng vay tài sản trong bài viết sau:
NỘI DUNG CHÍNH: 1. Khái niệm hợp đồng vay tài sản. 2. Lãi suất. 3. Quyền sở hữu đối với tài sản vay và nghĩa vụ trả nợ của bên vay. 4. Sử dụng tài sản vay và nghĩa vụ của bên cho vay. 5. Thực hiện hợp đồng cho vay. |
1. Khái niệm hợp đồng vay tài sản
Theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015:
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định.
2. Lãi suất
Theo quy định tại Điều 468 BLDS 2015:
Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
- Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất (1).
- Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn theo quy định (1) tại thời điểm trả nợ.
Lưu ý: Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định theo trường hợp (1) thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
3. Quyền sở hữu đối với tài sản vay và nghĩa vụ trả nợ của bên vay
3.1. Quyền sở hữu đối với tài sản vay
Theo quy định tại Điều 464 BLDS 2015:
Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó.
3.2. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
Theo quy định tại Điều 466 BLDS 2015:
a) Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
b) Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
c) Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
d) Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định (1) của BLDS 2015 trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác.
- Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
- Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định định ở trường hợp (1) của BLDS 2015.
- Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
4. Sử dụng tài sản vay và nghĩa vụ của bên cho vay
4.1. Sử dụng tài sản vay
Theo quy định tại Điều 467 BLDS 2015:
Các bên có thể thoả thuận về việc tài sản vay phải được sử dụng đúng mục đích vay. Bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn nếu đã nhắc nhở mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích.
4.2. Nghĩa vụ của bên cho vay
Theo quy định tại Điều 465 BLDS 2015 thì bên cho vay có các nghĩa vụ sau:
- Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thoả thuận.
- Bồi thường thiệt hại cho bên vay, nếu bên cho vay biết tài sản không bảo đảm chất lượng mà không báo cho bên vay biết, trừ trường hợp bên vay biết mà vẫn nhận tài sản đó.
- Không được yêu cầu bên vay trả lại tài sản trước thời hạn, trừ trường hợp bên vay trả lại tài sản trước khy hạn theo quy định của BLDS 2015 hoặc luật khác có liên quan quy định khác.
Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thoả thuận.
5. Thực hiện hợp đồng cho vay
5.1. Thực hiện hợp đồng cho vay co kỳ hạn
Theo quy định tại Điều 470 BLDS 2015:
- Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý.
- Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5.2. Thực hiện hợp đồng cho vay không kỳ hạn
Theo quy định tại Điều 469 BLDS 2015:
- Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
Mọi thông tin, xin liên hệ SÀI GÒN ĐẠI TÍN LAW FIRM:
♦ Địa chỉ: Số 169/6D Võ Thị Sáu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
♦ Điện thoại: 028 39 480 939.
♦ Hotline: 0913 655 471 (Luật sư Hải).
♦ Email: tuvan@saigondaitin.com.