Trong thực tiễn, bên bán thường thuê bên thứ ba chuyển hàng hóa đến cho bên mua hoặc một cá nhân, tổ chức thuê bên thứ ba vận chuyển hàng hóa đến cho tổ chức, cá nhân khác. Hàng hóa ở đây là tài sản, có thể được vận chuyển thông qua một trong những con đường sau: Đường bộ, đường biển, đường hàng không,… Hợp đồng vận chuyển được giao kết giữa bên thuê vận chuyển và bên vận chuyển là hợp đồng dịch vụ. Bên thứ ba là bên nhận tài sản (hàng hóa). Nếu bên nhận tài sản cùng thỏa thuận với bên có tài sản cần bàn giao thuê bên vận chuyển vận chuyển tài sản thì bên nhận tài sản cũng là bên thuê vận chuyển tài sản, hợp đồng vận chuyển tài sản sẽ trở thành hợp đồng ba bên: Hai đơn vị thuê vận chuyển và một đơn vị vận chuyển. Như vậy hợp đồng vận chuyển có tính rủi ro tương đối cao, vì người quản lý tài sản trong khi tài sản được vận chuyển đi nơi khác không phải là chủ sở hữu của tài sản. Tài sản có thể bị hư hỏng, tiêu hao trong quá trình vận chuyển, gây thiệt hại quyền lợi của bên thuê vận chuyển, bên nhận tài sản. Nếu bên nhận tài sản không đồng ý nhận tài sản hoặc chậm trễ nhận tài sản thì sẽ gây thiệt hại cho bên vận chuyển vì trong thực tiễn bên thuê vận chuyển chỉ thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng khi tài sản đã được vận chuyển đến cho người nhận và người nhận đã nhận tài sản. Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên Bộ Luật Dân sự 2015 đã quy định cụ thể về hợp đồng vận chuyển tài sản, trong dó bao gồm các vấn đề: Quyền và nghĩa vụ các bên, điều kiện chuyển giao tài sản của các bên, cách thưc bồi thường thiệt hại khi quy phạm nghĩ vụ:
NỘI DUNG CHÍNH: 1. Khái niệm hợp đồng vận chuyển tài sản 2. Cước phí vận chuyển và việc giao tài sản cho bên vận chuyển 3. Quyền và nghĩa vụ của bên thuê vận chuyển. 4. Quyền và nghĩa vụ của bên vận chuyển. 5. Giao tài sản cho bên nhận tài sản. 6. Quyền và nghĩa vụ của bên nhận tài sản. 7. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại. |
1. Khái niệm hợp đồng vận chuyển tài sản
1.1. Thế nào là hợp đồng vận chuyển tài sản
Theo quy định tại Điều 530 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015:
Hợp đồng vận chuyển tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm đã định theo thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận, bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ trả cước phí vận chuyển.
1.2. Hình thức của hợp đồng vận chuyển tài sản
Theo quy định tại Điều 530 BLDS 2015:
- Hợp đồng vận chuyển tài sản được giao kết bằng văn bản, bằng lời nói hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể.
- Vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác là bằng chứng của việc giao kết hợp đồng giữa các bên.
Ví dụ: Lần đầu tiên bà Chín thu hoạch vườn cam của nhà mình đã đưa cho người hàng xóm là Tân dùng xe tải chở lên chợ huyện cách nhà 30 km để thay bà giao cho các chủ sạp trái cây. Kể từ lần thu hoạch cam thứ hai thì Tân lại đến nhà bà chở cam đi giao như lần thứ nhất. Vậy hợp đồng vận chuyển tài sản giữa bà Chín và Tân đã được xác lập bằng hành vi.
2. Cước phí vận chuyển và việc giao tài sản cho bên vận chuyển
2.1. Cước phí vận chuyển
Theo quy định tại Điều 533 BLDS 2015:
- Mức cước phí vận chuyển do các bên thỏa thuận; nếu pháp luật có quy định về mức cước phí vận chuyển thì áp dụng mức cước phí đó.
- Bên thuê vận chuyển phải thanh toán đủ cước phí vận chuyển sau khi tài sản được chuyển lên phương tiện vận chuyển, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2.2. Giao tài sản cho bên vận chuyển
Theo quy định tại Điều 532 BLDS 2015:
- Bên thuê vận chuyển có nghĩa vụ giao tài sản cho bên vận chuyển đúng thời hạn, địa điểm và đóng gói theo đúng quy cách đã thỏa thuận; phải chịu chi phí xếp, dỡ tài sản lên phương tiện vận chuyển, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp bên thuê vận chuyển giao tài sản không đúng thời hạn, địa điểm đã thỏa thuận thì phải thanh toán chi phí chờ đợi và tiền vận chuyển tài sản đến địa điểm đã thỏa thuận trong hợp đồng cho bên vận chuyển.
- Trường hợp bên vận chuyển chậm tiếp nhận tài sản tại địa điểm đã thỏa thuận thì phải chịu chi phí phát sinh do việc chậm tiếp nhận.
3. Quyền và nghĩa vụ của bên thuê vận chuyển
3.1. Quyền của bên thuê vận chuyển
Theo quy định tại Điều 537 BLDS 2015 thì bên thuê vận chuyển có các quyền sau:
- Yêu cầu bên vận chuyển chuyên chở tài sản đến đúng địa điểm, thời điểm đã thỏa thuận.
- Trực tiếp hoặc chỉ định người thứ ba nhận lại tài sản đã thuê vận chuyển.
3.2. Nghĩa vụ của bên thuê vận chuyển
Theo quy định tại Điều 536 BLDS 2015 thì bên thuê vận chuyển có các nghĩa vụ sau:
- Trả đủ tiền cước phí vận chuyển cho bên vận chuyển theo đúng thời hạn, phương thức đã thỏa thuận.
- Cung cấp thông tin cần thiết liên quan đến tài sản vận chuyển để bảo đảm an toàn cho tài sản vận chuyển.
- Trông coi tài sản trên đường vận chuyển, nếu có thỏa thuận. Trường hợp bên thuê vận chuyển trông coi tài sản mà tài sản bị mất, hư hỏng thì không được bồi thường.
4. Quyền và nghĩa vụ của bên vận chuyển
4.1. Quyền của bên vận chuyển
Theo quy định tại Điều 535 BLDS 2015 thì bên vận chuyển có các quyền sau:
- Kiểm tra sự xác thực của tài sản, của vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác.
- Từ chối vận chuyển tài sản không đúng với loại tài sản đã thỏa thuận trong hợp đồng.
- Yêu cầu bên thuê vận chuyển thanh toán đủ cước phí vận chuyển đúng thời hạn.
- Từ chối vận chuyển tài sản cấm giao dịch, tài sản có tính chất nguy hiểm, độc hại, nếu bên vận chuyển biết hoặc phải biết.
4.2. Nghĩa vụ của bên vận chuyển tài sản
Theo quy định tại Điều 535 BLDS 2015 thì bên vận chuyển có các nghĩa vụ sau:
- Bảo đảm vận chuyển tài sản đầy đủ, an toàn đến địa điểm đã định, theo đúng thời hạn.
- Giao tài sản cho người có quyền nhận.
- Chịu chi phí liên quan đến việc chuyên chở tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.
- Bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển trong trường hợp bên vận chuyển để mất, hư hỏng tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
5. Giao tài sản cho bên nhận tài sản
Theo quy định tại Điều 538 BLDS 2015:
- Bên nhận tài sản có thể là bên thuê vận chuyển tài sản hoặc là người thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định nhận tài sản.
- Bên vận chuyển phải giao tài sản đầy đủ, đúng thời hạn và địa điểm cho bên nhận tài sản theo thỏa thuận.
- Trường hợp tài sản đã được chuyển đến địa điểm giao tài sản đúng thời hạn nhưng không có bên nhận tài sản thì bên vận chuyển có thể gửi số tài sản đó tại nơi nhận gửi giữ và phải báo ngay cho bên thuê vận chuyển hoặc người thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định nhận tài sản. Bên thuê vận chuyển hoặc người thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định nhận tài sản phải chịu chi phí hợp lý phát sinh từ việc gửi giữ tài sản.
Lưu ý: Nghĩa vụ giao tài sản hoàn thành khi tài sản đã được gửi giữ và bên thuê vận chuyển hoặc người thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định nhận tài sản đã được thông báo về việc gửi giữ.
6. Quyền và nghĩa vụ của bên nhận tài sản
6.1. Quyền của bên nhận tài sản
Theo quy định tại Điều 540 BLDS 2015 thì bện nhận tài sản có các quyền sau:
- Kiểm tra số lượng, chất lượng tài sản được vận chuyển đến.
- Nhận tài sản được vận chuyển đến.
- Yêu cầu bên vận chuyển thanh toán chi phí hợp lý phát sinh do phải chờ nhận tài sản nếu bên vận chuyển chậm giao.
- Yêu cầu bên vận chuyển bồi thường thiệt hại do tài sản bị mất, hư hỏng.
6.2. Nghĩa vụ của bên nhận tài sản
Theo quy định tại Điều 539 BLDS 2015 thì bên nhận tài sản có các nghĩa vụ sau:
- Xuất trình cho bên vận chuyển vận đơn hoặc chứng từ vận chuyển tương đương khác và nhận tài sản đúng thời hạn, địa điểm đã thỏa thuận.
- Chịu chi phí xếp, dỡ tài sản vận chuyển, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
- Thanh toán chi phí hợp lý phát sinh do việc chậm tiếp nhận tài sản.
- Trường hợp bên nhận tài sản là người thứ ba được bên thuê vận chuyển chỉ định thì phải thông báo cho bên thuê vận chuyển về việc nhận tài sản và thông tin cần thiết khác theo yêu cầu của bên thuê vận chuyển.
7. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Theo quy định tại Điều 541 BLDS 2015:
- Bên vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê vận chuyển nếu để tài sản bị mất hoặc hư hỏng, trừ trường hợp bên thuê vận chuyển trông coi tài sản theo quy định của BLDS 2015.
- Bên thuê vận chuyển phải bồi thường thiệt hại cho bên vận chuyển và người thứ ba về thiệt hại do tài sản vận chuyển có tính chất nguy hiểm, độc hại mà không có biện pháp đóng gói, bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển.
- Trường hợp bất khả kháng dẫn đến tài sản vận chuyển bị mất, hư hỏng hoặc bị hủy hoại trong quá trình vận chuyển thì bên vận chuyển không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
Mọi thông tin, xin liên hệ SÀI GÒN ĐẠI TÍN LAW FIRM:
♦ Địa chỉ: Số 169/6D Võ Thị Sáu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
♦ Điện thoại: 028 39 480 939.
♦ Hotline: 0913 655 471 (Luật sư Hải).
♦ Email: tuvan@saigondaitin.com.