HỢP ĐỒNG HỢP TÁC

Thứ Th 3,
24/09/2024
Đăng bởi Support HRV

Kinh tế xã hội phát triển, dân số gia tăng đồng nghĩa với việc phải hợp tác với nhau cùng lao động, sản xuất, kinh doanh. Và hợp đồng hợp tác ra đời để đáp ứng nhu cầu tập trung nguồn lực của mọi người để làm việc chung. Đây là loại hợp đồng xuất hiện sớm nhất trong xã hội loài người. Hình thức sơ khai của hợp đồng hợp tác là khế ước. Khế ước chính là hợp đồng giữa cá nhân với nhau và giữa cá nhân với Nhà nước. Qua các giai đoạn phát triển của lịch sử thì pháp luật và Nhà nước từ từ hoàn thiện, hợp đồng dân sự được phân chia thành nhiều loại khác nhau để thuận tiện khi phân biệt các giao dịch. Tên gọi hợp đồng hợp tác thể hiện việc các thành viên cùng làm, cùng hưởng lợi, cùng chịu trách nhiệm. Pháp luật dân sự đã quy định rõ ràng, cụ thể về hợp đồng hợp tác để bảo đảm quyền, lợi ích của các thành viên hợp tác và cả quyền, lợi ích của những người xác lập, thực hiện giao dịch với họ:

NỘI DUNG CHÍNH:

1. Khái niệm và đặc điểm của hợp đồng hợp tác.

2. Nội dung của hợp đồng hợp tác.

3. Gia nhập, rút khỏi, chấm dứt hợp đồng hợp tác..

4. Tài sản chung và trách nhiệm dân sự của các thành viên hợp tác.

5. Xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và quyền, nghĩa vụ của các thành viên hợp tác.

1. Khái niệm và đặc điểm của hợp đồng hợp tác

1.1. Khái niệm hợp đồng hợp tác

Theo quy định tại Điều 504 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015:

Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.

Lưu ý: Hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản.

Có nghĩa là, hợp đồng hợp tác có thể được ký kết giữa các cá nhân hoặc giữa cá nhân với pháp nhân để góp vốn hoặc công sức trong kinh doanh hoặc các lĩnh vực khác với mục đích hưởng lợi phát sinh. Trong thực tiễn, hợp đồng có thể được ký kết trong lĩnh vực xây dựng, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin,…

1.2. Đặc điểm của hợp đồng hợp tác

Hợp đồng hợp tác có các đặc điểm sau:

- Chủ thể của hợp đồng: Cá nhân, pháp nhân.

- Hình thức đóng góp: Các thành viên có thể đóng góp tài sản hoặc công sức.

- Nguyên tắc chịu trách nhiệm: Các thành viên hợp tác chịu trách nhiệm chung.

- Hình thức hợp đồng: Hợp đồng phải lập thành văn bản.

2. Nội dung của hợp đồng hợp tác

Theo quy định tại Điều 505 BLHS 2015 thì hợp đồng hợp tác bao gồm những nội dung chính sau:

- Mục đích, thời hạn hợp tác.

- Họ, tên, nơi cư trú của cá nhân; tên, trụ sở của pháp nhân.

- Tài sản đóng góp, nếu có.

- Đóng góp bằng sức lao động, nếu có.

- Phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức.

- Quyền, nghĩa vụ của thành viên hợp tác.

- Quyền, nghĩa vụ của người đại diện, nếu có.

- Điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác của thành viên, nếu có.

- Điều kiện chấm dứt hợp tác.

3. Gia nhập, rút khỏi, chấm dứt hợp đồng hợp tác

3.1. Gia nhập hợp đồng hợp tác

Theo quy định tại Điều 511 BLDS 2015:

Trường hợp hợp đồng hợp tác không quy định khác thì một cá nhân, pháp nhân trở thành thành viên mới của hợp đồng nếu được sự đồng ý của hơn một nửa tổng số thành viên hợp tác.

3.2. Rút khỏi hợp đồng hợp tác

a) Các trường hợp thành viên co thể rút khỏi hợp đồng hợp tác:

Theo quy định tại Điều 510 BLDS 2015 thì thành viên có quyền rút khỏi hợp đồng hợp tác trong trường hợp sau đây:

- Theo điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác.

- Có lý do chính đáng và được sự đồng ý của hơn một nửa tổng số thành viên hợp tác.

b) Giải quyết đối với thành viên rút khỏi hợp đồng hợp tác:

Theo quy định tại Điều 510 BLDS 2015:

- Thành viên rút khỏi hợp đồng hợp tác có quyền yêu cầu nhận lại tài sản đã đóng góp, được chia phần tài sản trong khối tài sản chung và phải thanh toán các nghĩa vụ theo thỏa thuận. Trường hợp việc phân chia tài sản bằng hiện vật làm ảnh hưởng đến hoạt động hợp tác thì tài sản được tính giá trị thành tiền để chia.

- Việc rút khỏi hợp đồng hợp tác không thuộc các trường hợp do BLDS 2015 quy định thì thành viên rút khỏi hợp đồng được xác định là bên vi phạm hợp đồng và phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định của BLDS 2015, luật khác có liên quan.

Lưu ý: Việc rút khỏi hợp đồng hợp tác không làm chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người này được xác lập, thực hiện trước thời điểm rút khỏi hợp đồng hợp tác.

3.3. Chấm dứt hợp đồng hợp tác

a) Các trường hợp chấm dứt hợp đồng hợp tác:

Theo quy định tại Điều 512 BLDS 2015 thì hợp đồng hợp tác châm dứt trong trường hợp sau:

- Theo thỏa thuận của các thành viên hợp tác.

- Hết thời hạn ghi trong hợp đồng hợp tác.

- Mục đích hợp tác đã đạt được.

- Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Trường hợp khác theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.

b) Giải quyết đối với các thành viên khi hợp đồng hợp tác chấm dứt:

Theo quy định tại Điều 512 BLDS 2015:

- Khi chấm dứt hợp đồng hợp tác, các khoản nợ phát sinh từ hợp đồng phải được thanh toán; nếu tài sản chung không đủ để trả nợ thì phải lấy tài sản riêng của các thành viên hợp tác để thanh toán theo quy định về trách nhiệm dân sự của thà nh viên hợp tác của BLDS 2015.

- Nếu các khoản nợ đã được thanh toán xong mà tài sản chung vẫn còn thì được chia cho các thành viên hợp tác theo tỷ lệ tương ứng với phần đóng góp của mỗi người, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Tài sản chung và trách nhiệm dân sự của các thành viên hợp tác

4.1. Tài sản chung của các thành viên hợp tác

a) Khái niệm tài sản chung của các thành viên hợp tác:

Theo quy định tại Điều 506 BLDS 2015:

Tài sản do các thành viên đóng góp, cùng tạo lập và tài sản khác theo quy định của pháp luật là tài sản chung theo phần của các thành viên hợp tác.

Như vậy, tài sản chung của các thành viên hợp tác bao gồm:

- Tài sản do các thành viên đóng góp, tạo lập.

- Tài sản khác là tài sản chung theo phần của các thành viên nếu pháp luật dân sự quy định.

Lưu ý: Trường hợp có thỏa thuận về góp tiền mà thành viên hợp tác chậm thực hiện thì phải có trách nhiệm trả lãi đối với phần tiền chậm trả theo quy định về trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền của BLDS 2015 và phải bồi thường thiệt hại.

b) Nguyên tắc định đoạt tài sản chung:

Theo quy định tại Điều 506 BLDS 2015:

- Không được phân chia tài sản chung trước khi chấm dứt hợp đồng hợp tác, trừ trường hợp tất cả các thành viên hợp tác có thỏa thuận.

- Việc định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất, nhà, xưởng sản xuất, tư liệu sản xuất khác phải có thỏa thuận bằng văn bản của tất cả các thành viên; việc định đoạt tài sản khác do đại diện của các thành viên quyết định, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Lưu ý: Việc phân chia tài sản chung do các thành viên thỏa thuận không làm thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ được xác lập, thực hiện trước thời điểm tài sản được phân chia.

4.2. Trách nhiệm dân sự của thành viên hợp tác

Theo quy định tại Điều 509 BLDS 2015:

Các thành viên hợp tác chịu trách nhiệm dân sự chung bằng tài sản chung; nếu tài sản chung không đủ để thực hiện nghĩa vụ chung thì thành viên hợp tác phải chịu trách nhiệm bằng tài sản riêng theo phần tương ứng với phần đóng góp của mình, trừ trường hợp hợp đồng hợp tác hoặc luật có quy định khác.

5. Xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và quyền, nghĩa vụ của các thành viên hợp tác

5.1. Xác lập. thực hiện giao dịch dân sự

Theo quy định tại Điều 508 BLDS 2015:

- Trường hợp các thành viên hợp tác cử người đại diện thì người này là người đại diện trong xác lập, thực hiện giao dịch dân sự (1).

- Trường hợp các thành viên hợp tác không cử ra người đại diện thì các thành viên hợp tác phải cùng tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (2).

- Giao dịch dân sự do các chủ thể thuộc tường hợp (1) và (2) xác lập, thực hiện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của tất cả thành viên hợp tác.

5.2. Quyền, nghĩa vụ của các thành viên hợp tác

Theo quy định tại Điều 507 BLDS 2015 thì các thành viên hợp tác có các quyền nghĩa vụ sau:

- Được hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động hợp tác.

- Tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến thực hiện hợp đồng hợp tác, giám sát hoạt động hợp tác.

- Bồi thường thiệt hại cho các thành viên hợp tác khác do lỗi của mình gây ra.

- Thực hiện quyền, nghĩa vụ khác theo hợp đồng.

THÔNG TIN LIÊN HỆ:

Mọi thông tin, xin liên hệ  SÀI GÒN ĐẠI TÍN LAW FIRM:

♦ Địa chỉ: Số 169/6D Võ Thị Sáu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

♦ Điện thoại: 028 39 480 939.

♦ Hotline: 0913 655 471 (Luật sư Hải).

♦ Email: tuvan@saigondaitin.com.

 

 

 

 

Bài viết liên quan

popup

Số lượng:

Tổng tiền: