HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ RA NƯỚC NGOÀI

Thứ Th 6,
09/08/2024
Đăng bởi Support HRV

Bất kỳ một quốc gia nào cũng muốn thu hút vốn đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế. Bên cạnh đó nguồn lợi nhuận phát sinh từ hoạt động của các nhà đầu tư trong nước đang đầu tư ra thị trường nước ngoài cũng tác động tích cực đến hệ thống kinh tế của mỗi quốc gia: Tiếp cận công nghệ hiện đại, tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, giới thiệu dịch vụ kinh doanh, nâng cao uy tín, thúc đẩy quan hệ quốc tế. Nắm rõ mục tiêu đó Việt Nam cũng đã có những quy định cụ thể để áp dụng cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Dưới đây Sài Gòn Đại Tín Law Firm tổng hợp những nội dung cơ bản của quy định để thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

NỘI DUNG CHÍNH:

1. Thế nào là hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

2. Các nhà đầu tư có thể thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài.

3. Hình thức đầu tư ra nước ngoài.

4. Nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài.

1. Thế nào là hoạt động đầu tư ra nước ngoài

Theo quy định tại khoản 13 Điều 3 Luật Đầu tư 2023 thì hoạt động đầu tư ra nước ngoài là việc nhà đầu tư chuyển vốn đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài, sử dụng lợi nhuận thu được từ nguồn vốn đầu tư này để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ở nước ngoài.

2. Các nhà đầu tư có thể thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài

Theo quy định tại Điều 68 Nghị định 31/2021/NĐ-CP thì các nhà đầu tư có thể thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài bao gồm:

- Doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã.

- Tổ chức tín dụng thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

- Hộ kinh doanh đăng ký theo quy định của pháp luật Việt Nam.

- Cá nhân mang quốc tịch Việt Nam, trừ các trường hợp không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam do Luật Doanh nghiệp quy định.

- Các tổ chức khác thực hiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

3. Hình thức đầu tư ra nước ngoài

Theo quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư 2020 thì nhà đầu tư có thể thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo các hình thức:

- Thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.

- Đầu tư theo hình thức hợp đồng ở nước ngoài.

- Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế ở nước ngoài để tham gia quản lý tổ chức kinh tế đó.

- Mua, bán chứng khoán, giấy tờ có giá khác hoặc đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài

- Các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư.

4.  Nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài

Theo quy định tại Điều 69 Nghị định 31/2021/NĐ-CP thì nguồn vốn để đầu tư ra nước ngoài bao gồm: Nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài gồm tiền và tài sản hợp pháp khác của nhà đầu tư, bao gồm vốn chủ sở hữu, vốn vay tại Việt Nam chuyển ra nước ngoài, lợi nhuận thu được từ dự án đầu tư ra nước ngoài được giữ lại để thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài. Trong đó, tiền và tài sản hợp pháp khác là:

- Ngoại tệ trên tài khoản tại tổ chức tín dụng được phép hoặc mua tại tổ chức tín dụng được phép theo quy định của pháp luật.

-  Đồng Việt Nam phù hợp với pháp luật về quản lý ngoại hối của Việt Nam;

- Máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, hàng hóa thành phẩm, hàng hóa bán thành phẩm.

- Giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, thương hiệu, quyền đối với tài sản;

- Cổ phần, phần vốn góp, dự án của nhà đầu tư được hoán đổi tại tổ chức kinh tế ở Việt Nam và tổ chức kinh tế ở nước ngoài.

- Các tài sản hợp pháp khác theo quy định của pháp luật dân sự.

 

THÔNG TIN LIÊN HỆ:

Mọi thông tin, xin liên hệ  SÀI GÒN ĐẠI TÍN LAW FIRM:

♦ Địa chỉ: Số 169/6D Võ Thị Sáu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

♦ Điện thoại:  028 39 480 939.

♦ Hotline: 0913 655 471 (Luật sư Hải: tư vấn miễn phí).

♦ Email: tuvan@saigondaitin.com.

 

Bài viết liên quan

popup

Số lượng:

Tổng tiền: