Các câu hỏi thường gặp khi tư vấn về giao dịch dân sự vô hiệu:
Khi các bên thực hiện giao dịch dân sự thì phải bảo đảm tất cả các điều kiện để giao dịch đó được pháp luật công nhận. Bởi vì Chỉ khi nào giao dịch được pháp luật công nhận mới quy định cụ thể được quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong mối quan hệ giao dịch đó. Đây là mắc xích quan trọng để ràng buộc các bên phải tuân thủ đúng thỏa thuận đã được giao kết. Khi tư vấn về giao dịch dân sự vô hiệu thì Sài Gòn Đại Tín Law Firm thường nhận được những câu hỏi sau:
1. Thế nào là giao dịch dân sự vô hiệu?
2. Các điều kiện nào làm cho giao dịch dân sự có hiệu lực?
3. Các trường hợp nào giao dịch dân sự vô hiệu?
4. Có phải tất cả giao dịch dân sự thuộc trường hợp bị vô hiệu đều không được pháp luật công nhận?
5. Nếu giao dịch dân sự bị vô hiệu thì giải quyết như thế nào đối với các bên đã giao dịch?
Sau đây Sài Gòn Đại Tín Law Firm sẽ làm rõ những vấn đề vướng mắc, cung cấp cho khách hàng những nội dung cơ bản để hiểu rõ hơn về các điều kiện để giao dịch dân sự phát sinh hiệu lực và quyền, nghĩa vụ của các bên trong trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu.
NỘI DUNG: 1. Khái niệm giao dịch dân sự vô hiệu và các điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực. 2. Các trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu. 3. Các trường hợp giao dịch dân sự vi phạm pháp luật nhưng được công nhận. 4. Giải quyết hậu quả khi giao dịch dân sự vô hiệu. |
1. Khái niệm giao dịch dân sự vô hiệu và các điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực
a) Khái niệm giao dịch dân sự vô hiệu:
Theo quy định tại Điều 122 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015) thì khái niệm giao dịch dân sự vô hiệu được quy định như sau:
Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực của BLDS 2015 thì vô hiệu, trừ trường hợp BLDS 2015 này có quy định khác.
b) Điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực:
Điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực được quy định tại Điều 117 BLDS 2015:
- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
- Nếu luật có quy định về hình thức của giao dịch dân sự, ví dụ như: Hợp đồng chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại phải được công chứng, chứng thực (Điều 122 Luật Nhà ở 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2022)) thì hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự.
2. Các trường hợp giao dịch dân sự bị vô hiệu
- Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.
- Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo.
- Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện.
- Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn.
- Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.
- Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
- Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức.
3. Các trường hợp giao dịch dân sự vi phạm quy định pháp luật nhưng không vô hiệu
a) Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo:
- Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực.
Có nghĩa là, chỉ có giao dịch dân sự giả tạo bị vô hiệu còn giao dịch dân sự thực sự đang bị che giấu vẫn có hiệu lực. Ví dụ: Bên A và bên B giao kết Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, trong hợp đồng kê khai giá chuyển nhượng thấp hơn giá giao dịch thực tế rất nhiều để giảm số thuế phải đóng. Sau khi cơ quan quản lý thuế phát hiện đã yêu cầu đóng phạt vi phạm và truy thu số thuế phải đóng, số tiền thuế chậm nộp. Như vậy Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giả tạo được công chứng, chứng không có hiệu lực pháp luật, tuy nhiên việc bên A chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bên bên B là có thật và được pháp luật công nhận.
- Lưu ý: Trường hợp giao dịch dân sự bị che giấu cũng vô hiệu theo quy định của BLDS 2015 hoặc luật khác có liên quan thì giao dịch dân sự được xác lập giũa các bên hoàn toàn vô hiệu.
b) Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện không bị vô hiệu trong trường hợp:
- Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó;
- Giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ;
- Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.
c) Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn:
- Giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn không vô hiệu trong trường hợp mục đích xác lập giao dịch dân sự của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được.
d) Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức:
- Giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó;
- Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.
e) Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần:
Theo quy định tại Điều 130 BLDS 2015:
- Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần khi một phần nội dung của giao dịch dân sự vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch.
Ví dụ: Một Hợp đồng mua bán vật liệu xây dựng có nhiều mặt hàng như xi măng, sắt, thép, cát, đá,… Trong đó phụ lục hợp đồng có quy định về tiêu chuẩn chất lượng từng mặt hàng. Sau khi giao hàng các bên phát hiện mặt hàng xi măng và thép không đúng với tiêu chuẩn đã được giao kết trong phụ lục hợp đồng. Như vậy, phần phụ lục hợp đồng về mặt hàng xi măng và thép sẽ bị vô hiệu. Tuy nhiên, những phần còn lại của hợp đồng bao gồm hợp đồng chính và các phần phụ lục khác vẫn phát sinh hiệu lực.
4. Giải quyết hậu quả khi giao dịch dân sự vô hiệu
Theo quy định tại Điều 131 BLDS 2015:
- Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
- Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
- Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
- Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
- Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do BLDS 2015, luật khác có liên quan quy định.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
Mọi thông tin, xin liên hệ SÀI GÒN ĐẠI TÍN LAW FIRM:
♦ Địa chỉ: Số 169/6D Võ Thị Sáu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.
♦ Điện thoại: 028 39 480 939.
♦ Hotline: 0913 655 471 (Luật sư Hải).
♦ Email: tuvan@saigondaitin.com.