BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Thứ Th 4,
28/08/2024
Đăng bởi Haravan Support

Chế tài bồi thường được quy định cụ thể đối với các bên khi giao kết hợp đồng. Đây những biện pháp cưỡng chế được áp dụng khi một trong các bên vi phạm nghĩa vụ. Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm bồi thường những thiệt hại phát sinh từ hành vi vi phạm và bên vi phạm có trách nhiệm phải bồi thường. Hiện nay, việc bồi thường thiệt hại không chỉ nằm trong phạm vi giao kết hợp đồng mà nó còn áp dụng rộng rãi trong thực tiễn cuộc sống. Chủ thể có hành vi xâm phạm tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, … phải thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại. Bởi vì mọi người, mọi công dân đều có quyền sống và có quyền được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, thân thể, danh dự, nhân phẩm, uy tín, ... Vấn đề đặt ra là khi không có những điều khoản thỏa thuận trước thì vấn đề bồi thường thiệt hại được giải quyết như thế nào? Sài Gòn Đại Tín Law Firm xin chia sẻ trong bài viết dưới đây:

NỘI DUNG CHÍNH:

1. Thế nào là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

2. Căn cứ và nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

3. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại.

4. Thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại và thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại.

5. Xác định mức thiệt hại phải bồi thường.

1. Thế nào là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, có thể hiểu một cách đơn giản như sau: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là quy định của pháp luật dân sự, xác định người có hành vi xâm phạm đến tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của các chủ thể khác và gây ra thiệt hại thì phải bồi thường những thiệt hại do mình gây ra. Quan hệ trách nhiệm giữa bên được bồi thường và bên phải bồi thường không phát sinh từ hợp đồng.

2. Căn cứ và nguyên tắc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

2.1. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được quy định cụ thể tại Điều 584 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015:

- Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

- Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác (1).

- Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo trường hợp (1).

* Điều 2 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP đã giải thích cụ thể những căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau:

- Có hành vi xâm phạm vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác.

- Có thiệt hại về vật chất, tinh thần xảy ra.

- Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm: Hành vi xâm phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại. Thiệt hại là kết quả của hành vi xâm phạm.

2.2. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

Theo quy định tại Điều 585 BLDS 2015:

- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

3. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân

Theo quy định tại Điều 586 BLDS 2015:

- Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

- Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định về Bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý của Bộ luật Dân sự 2015.

+ Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

4. Thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại và thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại

4.1. Thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại

Theo quy định tại Điều 588 BLDS 2015:

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

4.2. Thời hạn hưởng bồi thường thiệt hại do tính mạng, sức khoẻ bị xâm phạm

Theo quy định tại Điều 593 BLDS 2015:

- Trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động thì người bị thiệt hại được hưởng bồi thường từ thời điểm mất hoàn toàn khả năng lao động cho đến khi chết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Trường hợp người bị thiệt hại chết thì những người mà người này có nghĩa vụ cấp dưỡng khi còn sống được hưởng tiền cấp dưỡng từ thời điểm người có tính mạng bị xâm phạm chết trong thời hạn sau đây:

+ Người chưa thành niên hoặc người đã thành thai là con của người chết và còn sống sau khi sinh ra được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi đủ mười tám tuổi, trừ trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi đã tham gia lao động và có thu nhập đủ nuôi sống bản thân.

+ Người thành niên nhưng không có khả năng lao động được hưởng tiền cấp dưỡng cho đến khi chết.

- Đối với con đã thành thai của người chết, tiền cấp dưỡng được tính từ thời điểm người này sinh ra và còn sống.

5. Xác định mức thiệt hại phải bồi thường

5.1. Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Theo quy định tại Điều 589 BLDS 2015 thiệt hại về tài sản phải bồi thường bao gồm:

- Tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng.

- Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút.

- Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.

- Thiệt hại khác do luật quy định.

5.2. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm

Theo quy định tại Điều 590 BLDS 2015 thiệt hại về sức khỏe phải bồi thường bao gồm:

a) Các thiệt hại về sức khỏe:

- Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại.

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại.

- Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

- Thiệt hại khác do luật quy định.

b) Một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Lưu ý: Người gây ra thiệt hại phải bồi thường các thiệt hại về sức khỏe và cả khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại phải gánh chịu.

5.3. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

Theo quy định tại Điều 591 BLDS 2015 thiệt hại về tính mạng phải bồi thường bao gồm:

a) Các thiệt hại về tính mạng:

- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định của BLDS 2015.

- Chi phí hợp lý cho việc mai táng.

- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.

- Thiệt hại khác do luật quy định.

b) Một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Lưu ý: Người gây ra thiệt hại phải bồi thường các thiệt hại về tính mạng và cả khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần mà mà người thân thích, hoặc người có quan hệ nuôi dưỡng với người bị thiệt hại phải gánh chịu.

5.4. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm

Theo quy định tại Điều 591 BLDS 2015 thiệt hại về sức khỏe phải bồi thường bao gồm:

a) Các thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín:

- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.

- Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

- Thiệt hại khác do luật quy định.

b) Một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Lưu ý: Người gây ra thiệt hại phải bồi thường các thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín và cả khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại phải gánh chịu.

THÔNG TIN LIÊN HỆ:

Mọi thông tin, xin liên hệ  SÀI GÒN ĐẠI TÍN LAW FIRM:

♦ Địa chỉ: Số 169/6D Võ Thị Sáu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

♦ Điện thoại: 028 39 480 939.

♦ Hotline: 0913 655 471 (Luật sư Hải).

♦ Email: tuvan@saigondaitin.com.

Bài viết liên quan

popup

Số lượng:

Tổng tiền: