BẢO LÃNH

Thứ Th 2,
07/10/2024
Đăng bởi Support HRV

Hiện nay, giao dịch bảo lãnh đang phổ biến trong hoạt động cầm cố, thế chấp, … Các tổ chức, cá nhân khi vay vốn của ngân hàng hoặc các, tổ chức cá nhân khác để sản xất, kinh doanh phải cần một hoặc nhiều tổ chức, cá nhân khác bảo lãnh trong trường hợp bên vay không có tài sản để cầm cố, thế chấp hoặc tài sản của họ không đủ để cầm cố, thế chấp cho khoản vay. Bên bảo lãnh có trách nhiệm thay thế bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ (trả nợ) cho bên nhận bảo lãnh (bên cho vay, bên nhận cầm cố ,thế chấp, …). Có khi họ phải dùng chính tài sản của mình để thay thế bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ. Chính vì thế rủi ro của bên bảo lãnh là rất lớn. Do đó cần có những quy định cụ thể để bảo đảm quyền lợi của bên bảo lãnh nới riêng và các bên nói chung.

Sài Gòn Đại Tín Law Firm sẽ giới thiệu cùng quý khách hàng quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về bảo lãnh:

NỘI DUNG CHÍNH:

1. Khái niệm và phạm vi bảo lãnh.

2. Quan hệ giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh và thù lao bảo lãnh.

3. Quyền yêu cầu và trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh.

4. Trường hợp nhiều người cùng bảo lãnh.

5. Miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

6. Chấm dứt bảo lãnh.

1. Khái niệm và phạm vi bảo lãnh

1.1. Khái niệm bảo lãnh

Theo quy định tại Điều 335 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015:

Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Nói dễ hiểu, bảo lãnh là giao dịch ba bên, trong đó bên bảo lãnh sẽ thay thế bân được bảo lãnh thực hiện các nghĩa vụ với bên nhận bảo lãnh, nếu bên được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ khi đến thời hạn mà các bên đã thỏa thuận.

Lưu ý: Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Ví dụ: Do quen biết với ông C, bà A bảo lãnh cho bà B vay 500 triệu đồng của ông C trong thời hạn 06 tháng để kinh doanh. Bà A và ông C thỏa thuận bà A chỉ thay bà B thục hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn nếu bà B không có khả năng thanh thanh toán khỏa nợ của ông C. Đến hạn trả nợ, bà B trả cho ông C 400 trăm triệu, còn nợ 200 triệu chưa thanh toán. Lúc này do kinh doanh bị phá sản, bà B không có khả năng trả hết khoản tiền đã vay. Như vậy, bà A phải thay bà B thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ 200 triệu còn lại cho cho ông C. Nếu bà B vẫn vẫn còn vốn kinh doanh thì bà A không cần thay bà B thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ông C.

1.2. Phạm vi bảo lãnh

Theo quy định tại Điều 336 BLDS 2015:

- Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh.

- Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

- Trường hợp nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ phát sinh trong tương lai thì phạm vi bảo lãnh không bao gồm nghĩa vụ phát sinh sau khi người bảo lãnh chết hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại.

 

2. Quan hệ giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh và thù lao bảo lãnh

2.1. Quan hệ giữ bên  bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh

Theo quy định tại Điều 339 BLDS 2015:

- Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.

- Bên nhận bảo lãnh không được yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi nghĩa vụ chưa đến hạn.

- Bên bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp bên nhận bảo lãnh có thể bù trừ nghĩa vụ với bên được bảo lãnh.

2.2. Thù lao bảo lãnh

Theo quy định tại Điều 337 BLDS 2015:

Bên bảo lãnh được hưởng thù lao nếu bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh có thỏa thuận.

Có nghĩa là, nếu hai bên thỏa thuận bên được bảo lãnh phải trả thù lao cho bên bảo lãnh thì giao dịch dân sự được xác lập là giao dịch có thù lao, bên bảo lãnh mới có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh trả thù lao.

3. Quyền yêu cầu và trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh

3.1. Quyền yêu cầu của bên bảo lãnh

Theo quy định tại Điều 340 BLDS 2015:

Bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3.2. Trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh

Theo quy định tại Điều 342 BLDS 2015:

- Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó.

- Trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại.

4. Trường hợp nhiều người cùng bảo lãnh

Theo quy định tại Điều 338 BLDS 2015:

- Khi nhiều người cùng bảo lãnh một nghĩa vụ thì phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định bảo lãnh theo các phần độc lập; bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người bảo lãnh liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

- Khi một người trong số những người bảo lãnh liên đới đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh thì có quyền yêu cầu những người bảo lãnh còn lại phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ đối với mình.

5. Miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

Theo quy định tại Điều 341 BLDS 2015 thì nghĩa vụ bảo lãnh được miễn thực hiện trong những trường hợp sau:

- Trường hợp bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

- Trường hợp chỉ một trong số nhiều người cùng bảo lãnh liên đới được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của họ.

- Trường hợp một trong số những người nhận bảo lãnh liên đới miễn cho bên bảo lãnh không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên bảo lãnh vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người nhận bảo lãnh liên đới còn lại.

6. Chấm dứt bảo lãnh

Theo quy định tại Điều 343 BLDS 2015 thì bảo lãnh chấm dứt trong trường hợp sau đây:

- Nghĩa vụ được bảo lãnh chấm dứt.

- Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác.

- Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

- Theo thỏa thuận của các bên.

THÔNG TIN LIÊN HỆ:

Mọi thông tin, xin liên hệ  SÀI GÒN ĐẠI TÍN LAW FIRM:

♦ Địa chỉ: Số 169/6D Võ Thị Sáu, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

♦ Điện thoại: 028 39 480 939.

♦ Hotline: 0913 655 471 (Luật sư Hải).

♦ Email: tuvan@saigondaitin.com.

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết liên quan

popup

Số lượng:

Tổng tiền: